NHẬT KÝ CỦA CU TÝ PHIÊU LƯU KÝ THEO CHUYÊN MỤC:

30.8.13

Mùa hè 2013 (Phần 1): Buổi lao động công ích

   Mùa hè năm 2013, mùa hè thứ ba con ở Nhật cùng mẹ. Mẹ đang cố gắng hoàn thành luận án để sớm được trở về. Hết tuần này con và các bạn sẽ chia tay một tháng nghỉ hè, để bước vào học kỳ 2 của lớp hai.
   11h đêm. Con đã ngủ say từ bao giờ. Mẹ nghỉ ngơi một chút, dừng viết luận văn, ghi lại nhật ký những ngày hè của con. Với mẹ, từng giây phút, từng khoảnh khắc của con luôn là những kỷ niệm đáng nhớ, và đầy ắp cảm xúc của mẹ, của con, cùng cả những dõi theo của bố. Những tháng ngày mẹ con ta xa gia đình, những tháng ngày bề bộn với sách vờ của me vẫn chưa dừng lại. Dù thế, mẹ vẫn muốn đều đặn ghi lại những trải nghiệm cho con! Những trải nghiệm mà ở đó, có con cùng mẹ bước đi trong cái nắng chói chang, trong những nóng nực của ngày hè, với những bề bộn của dữ liệu và phân tích của năm học thứ ba của mẹ.
  Các phần của nhật ký này mẹ sẽ không ghi lại theo trình tự thời gian. mẹ con mình sẽ nhớ lại theo các sự kiện con nhé.
Phần 1: Buổi lao động công ích

Thứ bảy, ngày 24 tháng 8 năm 2013

Câu lạc bộ bóng đá của con sau một tuần nghỉ lễ Obon lại vẫn có những giờ tập vào sáng thứ 3, thứ 4, thứ 5. Tuần này gia đình bạn Kairikun gần nhà đi vắng. Cả nhà bạn ấy về quê, nên con cũng không đi nhờ được xe để đến tập ở câu lạc bộ bóng đã vào 3 buổi sáng trong tuần. Vào tuần đầu tiên sau nghỉ hè, mẹ dậy sớm chuẩn bị cơm hộp để con đến câu lạc bộ nhi đồng. 7 rưỡi sáng là mẹ đưa con qua nhà Kairikun ơ đầu phố. Mẹ vẫn phải đến phòng nghiên cứu sớm, nên các buổi sáng, mẹ đã nhờ mẹ Kairikun. Mẹ bạn ấy sẽ chở con và Kairikun đến câu lạc bộ bóng đã tập luyện trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Rồi khi trở về, con lấy sách vở và đồ ăn mẹ đã chuẩn bị sẵn ở nhà và đi bộ đến  câu lạc bộ nhi đồng ở trường. Còn mẹ  đã đến phòng nghiên cứu từ trước đó.

Thứ bảy tuần vừa rồi, câu lạc bộ tổ chức buổi lao động công ích. Mục đích là để các thành viên trong câu lạc bộ cùng nhau lao động và trò chuyện, giao lưu.
Con ghi tên đăng ký trước khi về đội của mình
Con chạy về nơi tập kết

Vì đây là một hoạt động của câu lạc bộ bóng đá kết hợp với nhà trường (trường Shimoochiai, nơi câu lạc bộ mượn sân để tập luyện), nên con và các bạn, theo quy định, vẫn mặc đồng phục bóng đá.
Đi găng tay để chuẩn bị nhổ cỏ
Rồi bắt đầu nhồ từng đám cỏ góc sân trường.

Cỏ đã được nhổ sẽ được cho vào đầy từng bịch nilon.
Con hỏi hai cô bên cạnh, mẹ của các bạn trong đội.
- Cô ơi hôm nay tất cả cùng nhau nhổ cỏ ở sân trường để làm gì vậy ạ?
- À, để các thành viên trong câu lạc bộ cùng trò chuyện vui vẻ ý mà.
- Cháu chẳng thấy vui gì cả. Có vui gì đâu. Nhổ cỏ lâu quá.
- :)))
Cả đội lớp hai, cả bố mẹ và các thành viên nhí cùng nhau nhổ cỏ. Góc sân cũng quang đi phần nào.
Con làm cùng với bạn. Thấy đất bám nhiều dưới rễ cỏ, cậu bạn dặn:
- Cậu nhớ rũ hết đất ra nhé. Không cậu để nguyên đất như thế thì mỗi lần nhổ cỏ, đất sẽ hết dần đi đấy.
- Tớ hiểu rồi.
Cỏ đã đầy túi nilon. Hai đứa cùng nhau buộc túi lại. Thế là được một bịch cỏ rồi.
Rồi cậu bạn giơ hai bàn tay ra cho mẹ chụp ảnh kỷ niệm.
Được một lúc, con và các bạn chạy ra chơi.
Nửa tiếng lao động đã xong. Tất cả dừng tay. Cất găng tay, thu don các bao cỏ, và uống nước trà mát các mẹ đã chuẩn bị sẵn. Nhà trường thì chuẩn bị sẵn những hộp kem. Tất cả háo hức lắm.
Con chạy ra chỗ tập trung
Cả nhóm trò chuyện
Trời nóng 36 độ. Sau buổi lao động, chắc con và các bạn đều mệt phờ. Những thùng kem đã được đưa ra. Và thế là, tất cả ào ào như ong vỡ tổ.


19.7.13

Giờ học quan sát cuộc sống ở Trường tiểu học Suzuya - Cu Tý cùng các bạn đi câu tôm -

   Ngày 8 tháng 7 năm 2013 (Thứ hai)
   Vậy là con đã quay trở lại Nhật được hơn một tháng rồi. Tạm biệt cô giáo chủ nhiệm và bạn bè ở lớp 1A4 Trường tiểu học Quang Trung, con quay trở lại Trường tiểu học Suzuya để bước vào lớp hai. Mãi đến hôm nay, mẹ mới sắp xếp được thời gian để tiêp tục ghi lại nhật ký của những tháng ngày trải nghiệm này trong tuổi thơ của con. Mẹ sẽ bắt đầu viết tiếp nhật ký bằng câu chuyện về giờ học quan sát cuộc sống ở lớp của con nhé.
   Ngay từ hồi lớp một, trường tiểu học ở Nhật đã thiết kế những giờ học giúp học sinh cảm nhận được sự gần gụi với thiên nhiên, giúp học sinh biết yêu thiên nhiên và những loài động vật trong tự nhiên. Buổi đi câu tôm này cũng là một trong những giờ học như thế.
   Hôm đó, mẹ cũng đăng ký với thày chủ nhiệm đi phụ giúp trông các con khi các con câu tôm. Con và các bạn như thường lệ 8h có mặt ở trường. Đến 9h, toàn bộ học sinh của ba lớp khối lớp hai cầm dụng cụ và tập trung ở sân trường đề nghe thày, cô dặn dò, phổ biến trước giờ xuất phát.
   Thày giáo dặn cả lớp như sau: 
- Buổi đi câu tôm này là một giờ học. Do vậy, chúng ta sẽ không nghịch, mà sẽ học và quan sát một cách nghiêm túc. Làm thế nào để có thể câu được tôm? Các em hãy quan sát và học hỏi thật kỹ nhé. Chúng ta hãy câu cẩn thận, chú ý không được nghịch  nhé, sẽ rất nguy hiểm đấy. 
- Trời hôm nay rất nóng. Nhiệt độ là 34 độ. Do vậy, chúng ta chú ý uống nước nhé. Tất cả đã mang theo bình nước rồi phải không?
- Khi đi câu tôm các em sẽ thấy, ở đó không chỉ có tôm mà còn có nhiều loài động vật khác như những loài cá nữa chẳng hạn. Chúng ta sẽ cùng quan sát thật kỹ nhé.

   Đây là hình ảnh con hớn hở cầm dụng cụ câu tôm mà con và mẹ đã cùng chuẩn bị từ chủ nhật hôm qua. Dụng cụ gồm:
1) Cần câu: Mẹ làm theo sự hướng dẫn của thày chủ nhiệmhôm đi họp phụ huynh cho con. Mẹ con mình lấy chiếc gậy màu xanh vẫn dùng đề cho cây cà chua con trồng leo giàn đẩy nhỉ. Rôi mẹ lấy dây thừng, một đầu buộc vào chiếc gậy, một đầu buộc vào cái kẹp nhựa vẫn dùng để phơi quần áo. Cái kẹp nhựa này sẽ dùng để kẹp mồi câu tôm.
2) Vợt
3) Hộp nhựa
4) Mồi: Là một gói mực khô, mẹ con mình mua ở Family mart.

   Sau khi nghe thày giáo phổ biến, dặn dò, con cùng các bạn cầm dụng cụ lên đường. Điểm đến là con sông ngay sát cạnh trường. Mẹ các bạn nói chuyện với mẹ, ở đó có nhiều tôm lắm. À, mà mẹ nhớ ra, con sông này tháng trước, khi bố mới đưa con sang, bố cũng dẫn con đi xem mọi người câu tôm ở đây rồi nhỉ. 

   Trời hôm nay nắng nóng. Nhiệt độ là 34 độ. Ở bãi cỏ ven bờ sông là những khóm húng xoăn mọc dại. Mùi thơm thoang thoảng khắp dọc bờ sông.
   Con hồ hởi cho mồi vào cần câu và bắt đầu thả cần xuống nước sông. Kìa, một con, rồi hai, ba chú tôm xuất hiện. Nhóm bạn ở chỗ con kêu to:
- Đến rồi. Thấy tôm rồi.
Những chiếc cần chĩa về phía những chú tôm lúc ẩn lúc hiện trên mặt nước.
Mẹ một bạn nói:
- Các con nói khẽ thôi nhé. Nói to tôm nó giật mình, nó không dám lại gần mồi để ăn đâu.
Thế là cả lũ im bặt, dõi theo từng cử động của những chú tôm.

   Kia rồi, một chú tôm đang bơi tha thẩn. Chưa có bạn nào nhắm đến chú. Mẹ bảo:
- Kìa con, con câu con tôm kia đi.
   Con nhẹ nhàng đẩy dây câu nhắm tới con tôm đầu tiên này.
   Cô bạn gái đứng bên thấy con bắt đầu câu liền nói:
- Hienkun, cố lên. Cố lên nào. 
   Mẹ nín thở theo từng cử chỉ của con. Chú tôm từ từ lại gần. Tay con run run. Chắc con đang lo lắng không biết liệu mình có câu được tôm với lần đầu tiên này không.
   Vẫn là tiếng cô bé đó động viên và ủng hộ con:
- Cố lên Hienkun. Cố lên nhé.

   Con lắc chiếc cần đề cho phần mồi lại gần hơn với chú tôm. Thế nhưng, chú đổi ý, không lại gần mồi câu của con nữa. Trượt rồi. Tiếc ghê!

   Thua keo này ta bày keo khác. Con lại tiếp tục kiên trì thả mồi. Con quan sát các bạn có kinh nghiệm. Mẹ cũng nín thở cùng con, và mong con câu được ít nhất là một chú. Mẹ biết, con sẽ rất thất vọng nếu trong buổi đi câu hôm nay, con không câu được con tôm nào. Mẹ đã hơi lo lắng đấy. 

   Những cô bé, cậu bé kiên trì thả mồi câu. Mỗi khi xuất hiện một chú tôm, các bạn và cu Tý lại reo lên. Rồi nín thở lựa dây câu, để chú tôm đó cắn vào mồi câu của mình. Thật hết sức hồi hộp khi theo dõi quá trình câu tôm của cu Tý và các bạn ở lớp.
Lác đác đã có một số bạn câu được tôm rồi đấy. Các bạn tỏ vẻ phấn khởi với thành quả của mình.

   Rốt cuộc, cũng có thêm chú tôm lại gần cắn mồi chiếc cần câu của cu Tý. Con nín thở, im lăng đợi chú ta cắn chặt vào mồi, chính là mấy sợi mực khô. Khi thấy chú ta đang mải mê với miếng mồi, mẹ nhanh tay cầm vợt úp gọn chú tôm vào vợt. Tuyệt cú mèo! Tóm được rồi nhé. Thế là mẹ con mình đã cùng nhau hợp đồng tác chiến bắt gọn chú tôm này, con nhỉ.
   Con reo lên sung sướng:
- Bắt được rồi. Hoan hô. 
   Vậy là, con đã câu được một chú tôm sau một hồi vật vã với chiếc cần câu và cuộc đuổi bắt lũ tôm. Cảm giác có được chiến lợi phẩm chắc hẳn là rất tuyệt với con!
   Con thả cần câu xuống bãi cỏ, rồi chạy lên bờ gỡ chú tôm ra khỏi vợt, cho vào hộp nhựa.

   Mồi ở cần câu chú tôm kia đã ăn gần hết. Con lấy thêm mồi cho vào chiếc kẹp nhựa để câu.

Và tiếp tục cuộc hành trình thú vị này.

   Một chú tôm nữa lại cắn mồi, và lọt lưới. Tuyệt! Con sung sướng ngắm nghía chú tôm vừa sa vào lưới.

   Con bảo:
- Giờ thì phải cho nước vào hộp cho hai chú tôm này.
 Thế là con chạy về trường, mở nước máy cho vào hộp nhựa, nơi hai chú tôm đang nằm trong đó.

   Khi ra đến cổng trường để quay lại chỗ câu tôm, con gặp bác bảo vệ. Con mừng rỡ khoa:
- Cháu câu được hai con tôm rồi.
   Bác bảo vệ cười hiền, xoa đầu con và khen:
- Hienkun giỏi ghê. Bác chúc mừng cháu nhé!

   Ra đến ngoài đường cái, gặp hai bà cháu đang đi trên đường, con lại hớn hở khoe:
- Cháu câu được hai con tôm rồi.
   Con giơ cao cái hộp nhựa để bà và bạn nhìn rõ.
   Bà cười tươi nói với con:
- Ôi những hai con cơ à? Thích ghê!

   Con cùng bạn Hanachan cho thức ăn vào hộp cho tôm ăn. 

   Bạn Yasukekun lại bắt thêm được một con tôm nữa. Con tôm này rất to. Cả lũ xúm lại ngắm nghía, trầm trồ.
   Con vốn dĩ thích siêu nhân và Utraman nên đưa ra ý kiến với các bạn:
- Cho con tôm của tớ và cậu đấu với nhau nào.

   Trời nắng và nóng quá. Con chạy lại chỗ tập kết lấy bình nước uống tu liền một hơi. Một mẹ đã đứng trực sẵn ở đó, đưa cho con và các bạn khăn giấy ướt để lau tay trước khi cầm vào bình uống nước. 
   Thày giáo đã phổ biến từ trước. Câu tôm tay sẽ dính nhiều bùn đất. Do vậy, các con sẽ lau khô tay bằng giấy ướt trước khi lấy bình nước uống, để đảm bảo về sinh.

   Khi nãy con lấy nước máy cho vào hộp nhựa. Các bạn nhắc con:
- Thày giáo dặn phải cho nước ở sông vào hộp thì tôm mới sống được.
   Mẹ lấy một cái hộp không, ngồi xuống bờ và hớt nước sông vào, rồi cùng con thay nước vào hộp. Giờ thì nước trong hộp là nước sông có màu hơi đục vì bùn đất, chứ không trong suốt như khi nãy nữa. 

   Đến 10h, mẹ có giờ học nên phải về rồi. Con vấn tiếp tục câu tôm cùng các bạn. Đến 10 rưỡi mới hết giờ học này.
   Dưới đây là dòng thông báo tổng kết về giờ học trên trang thông tin của nhà trường:
Vào ngày 8 tháng 7, khối lớp hai đã tổ chức buổi đi câu tôm. Rất nhiêu phụ huynh đã cùng đến tham dự để hướng dẫn các con. Các con đã tham gia hoạt động rất vui vẻ. Thông qua hoạt động này, các con đã được tiếp xúc gần hơn với thiên nhiên.
ザリガニ釣りを行いました。保護者の方々にもお手伝いいただき、子どもたちも楽しく活動することができました。ザリガニ釣りを通して自然に親しむことができました。

13.5.13

Kỷ niệm với chương trình truyền hình: Việt Nam, hơn cả chiến lược Trung Quốc cộng 1 của Nhật Bản

   Chanel số 7 của Đài truyền hình Tokyo có một chương trình mẹ rất thích. Chương trình "Nhật Bản trong thế kỷ tương lai"(日経スペシャル: 未来世紀ジパング). Chương trình phát sóng một giờ đồng hồ, vào 22h tối thứ hai hàng tuần. Khi con còn ở Nhật với mẹ, thi thoảng tối thứ hai, mẹ vẫn thường mở ra xem. 
   Thật bất ngờ và thú vị khi hai tuần trước, đạo diễn chương trình này liên lạc với mẹ, và mời mẹ tham gia làm khách mời tọa đàm trong chủ đề về Việt Nam. Chương trình về Việt Nam lần này mang tên: Việt Nam, hơn cả chiến lược Trung Quốc cộng 1 của Nhật Bản. Họ đã xem các Video Clip mẹ làm, nên họ tin mẹ có khả năng nói trước ống kính máy quay phim (Hôm ghi hình mẹ đếm được tổng cộng có khoảng 5 cái máy quay). Mẹ thực ra chỉ cần nói các câu chuyện ngoài lề, còn nội dung chuyên môn do bình luận viên cao cấp về kinh tế của báo Nikkei, bác Goto、cùng hai MC nổi tiếng và hai gương mặt thường xuyên xuất hiện trên truyền hình trao đổi, thảo luận.
  Các phóng viên của chương trình đã đến Việt Nam để ghi lại những hình ảnh thực tế và sống động về sự tiến quân của một số lượng đông đảo các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam với chiến lược Trung Quốc cộng 1, trong bối cảnh tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Trung Quốc cũng ngày một giảm bớt, thay vào đó các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn tới các môi trường đầu tư khác trong khu vực.
   Chương trình là sự thảo luận tương tác với nội dung video mà các phóng viên đã ghi lại tại Viêt Nam với 5 thành viên trong trường quay, bao gồm 2 MC, nhà bình luận viên cao cấp về kinh tế của báo Nikkei, hai gương mặt thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, và mẹ, với tư cách là người Việt Nam sẽ nêu lên cảm xúc, ý kiến của mình trước tình hình này.
SHELLY, người dẫn chương trình. Mẹ vẫn xem cô ấy dẫn chương trình mỗi tối thứ hai hàng tuần. Không ngờ lại có ngày mẹ được tham dự chương trình này cùng cô ấy.
  Sau khi được nhân viên chương trình trợ giúp phần trang điểm và trang phục, mẹ bước vào trường quay khi giám đốc chương trình giới thiệu. Cả ekip làm chương trình gồm khoảng 60 người đồng loạt hô to: "Nhờ chị giúp đỡ chương trình". Mẹ cúi người: "Xin mọi người giúp đỡ ạ". Người Nhật lúc nào cũng vậy. Họ luôn thể hiện sự hợp tác và trân trọng hết mình với các thành viên trong công việc. Tinh thần tập thể và hợp tác là một trong những bí quyết thành công của người Nhật mà thế giới vẫn thường nhắc tới. Mẹ lại nhớ lần đi dịch cho đoàn của Bộ KH & DT, khi đến thăm nhà máy đóng tàu Oshima ở Kuyshu, phía Nam Nhật Bản. Ngay khi đoàn vừa xuống ô tô, toàn bộ Ban giám đốc và kỹ sư, công nhân nhà máy đã đứng đợi sẵn, và vỗ tay reo hò chào mừng đoàn đến. Một cách thức chào hỏi thể hiện nhiệt huyết và nỗ lực của người Nhật!

Chuyên viên bình luận kinh tế cao cấp của báo Nikkei, bác Goto cùng nhân viên trang điểm của chương trình. Đêm hôm trước mẹ thức khuya viết luận văn, sáng dậy sớm đến Shibuya họp bàn cùng các thành viên Cơm có thịt Nhật.  Da mặt hơi xạm đi một chút. Cô nhân viên trang điểm nói: Chị cứ yên tâm, chỉ một lớp phấn chuyên dụng này, khuyết điểm sẽ được khắc phục. Và có vẻ đúng như vậy, nhỉ?!
   Chương trình tối nay phát sóng được tập trung vào 3 chi tiết chính sau đây:
1. Vở Campus đã phổ biến tại thị trường Việt Nam, và được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận như thế nào? Lý do?
2. Mỳ Hảo Hảo với cổ phần 60% của Acecook (công ty Nhật), hãng mỳ số 1 nổi tiếng Nhật Bản Nishin đã và đang xâm nhập thị trường Việt Nam như thế nào?
3. Về khu đô thị mới Bình Dương, một khu đô thị trẻ và năng động do tập đoàn Tokyu đầu tư.

Kết luận: Đúng như tiêu đề chương trình, Việt Nam, hơn cả chiến lược Trung Quốc cộng 1, với phân tích và bình luận của bình luận viên cao cấp về kinh tế của báo Nikkei, ông Goto cho rằng:  Với vị trí địa lý trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam có tính đa dạng và giao thoa với các nước Đông Á và Đông Nam Á. Do đó, Việt Nam chính là điểm đến trọng yếu và chiến lược của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ảnh chụp từ màn hình khi chương trình được phát sóng của một chị học sinh gửi cho mẹ qua facebook
   Mẹ đã tham dự chương trình với niềm xúc động khi xem những hình ảnh ghi lại làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, và tự nhủ, mình cần cố gắng hơn nữa. "Nhật Bản và Việt Nam thực sự là đối tác chiến lược". Bác đạo diễn chương trình đã nói với mẹ trong cuộc nói chuyện sau khi ghi hình. Hai tuần nữa con lại sang Nhật học với mẹ rồi, mẹ con mình lại tiếp tục cùng nhau cố gắng, cố gắng hơn nữa, con nhé!
   Chương trình được phát sóng từ 22:00 đến 22:54 tối nay, 13/5/2013 trên Chanel 7 hoặc Chanel 12, Đài truyền hình Tokyo (東京テレビ). 日経スペシャル 未来世紀ジパング 『チャイナ+1を超えたベトナム

Website của chương trình: http://www.tv-tokyo.co.jp/zipangu/next/#section1
Facebook của chương trình: https://www.facebook.com/miraiseikizipangu?fref=ts
Ghi chú: Mẹ cu Tý sẽ ghi và dịch lại toàn bộ chương trình sau khi được phát sóng.
Phòng dành riêng cho từng khách mời trong trường quay được chuẩn bị rất cẩn thận

Mô hình trường quay được ghi hình, nơi mẹ và các thành viên tham gia tọa đàm, thảo luận tương tác. Mẹ ngồi ngoài cùng bên trái đấy.

8.4.13

Hiện tượng bé Đỗ Nhật Nam dưới ý kiến của những chuyên gia nước ngoài

 Xung quanh những tranh luận, chỉ trích về những phát ngôn của cậu bé tài năng Đỗ Nhật Nam, tôi cùng quan điểm với ý kiến của nhà báo Trương Anh Ngọc, thày giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ca sỹ Tạ Quang Thắng, rằng: "Cần tôn trọng suy nghĩ của một cậu bé 11 tuổi khi cháu dám nói lên suy nghĩ của mình. Câu chuyện về một cậu bé thích đọc sách, dịch sách và từ nhỏ đã coi sách là một người bạn cần được nhân rộng và coi là tấm gương lớn cho nhiều người, đặc biệt là với giới trẻ hiện tại". (Trích ý kiên của nhà báo Trương Anh Ngọc).
 Rất nhiều người chỉ trích (ném đá) bé Nam, cho rằng:
1. Cậu bé còn nhỏ mà thiếu khiêm tốn.
2. Thành công sớm quá để làm gì trong khi tuổi thơ bị đánh mất?!
3. Câu nói "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn là sai lầm".
 Tôi đã cùng với những người bạn nước ngoài làm trong ngành giáo dục, cùng phòng nghiên cứu với tôi tại Japan Foundation và Học viện nghiên cứu chính sách GRIPS (Nhật Bản) xem video clip phỏng vấn bé Nam. Sau đó, tôi dịch lại cho họ nghe phần trả lời phỏng vấn của bé, rồi hỏi để có thể nhận được những ý kiến khách quan từ những chuyên gia nước ngoài. Và những chuyên gia nước ngoài đã có những ý kiến về những chỉ trích vô lý, thái quá đối với bé Đỗ Nhật Nam như sau:

Tác giả: Các bạn nghĩ sao về bé Đỗ Nhật Nam và những lời chỉ trích của dư luận tại Việt Nam (VN) hiện nay về bé?
Chuyên gia: Việc có được một hoặc nhiều cậu bé còn nhỏ mà rất ham học, ham mê đọc sách, dịch sách như thế này là một điều rất rất tốt cho VN. Chúng ta nên trân trọng và tôn trọng niềm đam mê của cậu bé ấy. Các nước lớn như Nga, Mỹ, Nhật đều luôn coi trọng và tuyển mộ những người tài từ khắp nơi đấy thôi. Với một tấm gương như thế này của bé Nam, cần trân trọng và tôn trọng. Thay vì chỉ trich, chúng ta có thể nhìn vào tấm gương của bé để khích lệ con cháu mình thêm tự tin, có niềm đam mê đọc sách và ham học hỏi như thế.
Tác giả: Dư luận tại VN cho rằng, cậu bé không khiêm tốn khi liệt kê một loạt thành tích trong môn học tiếng Anh của mình. Các bạn nghĩ sao?
Chuyên gia: Có vẻ như nhiều người VN thấy rằng, cậu bé chưa thực sự khiêm tốn khi kể ra một loạt thành tích trong môn học tiếng Anh của mình trước đông đảo khán giả. Nhưng chúng tôi cho rằng, cậu bé đang đưa ra những dẫn chứng, bằng chứng cụ thể cho thành tích học tiếng Anh của cậu. Những thành tích đó rất có thể, sẽ là động lực cho các trẻ em khác ở VN noi theo và hướng đến. Chúng tôi cho rằng, cùng với những trải nghiệm trong tương lai, cậu bé sẽ học hỏi thêm được nhiều điều, và sẽ điều chỉnh để cách diễn đạt của mình thể hiện được sự khiêm tốn. Cậu bé mới chỉ 11 tuổi thôi mà.
Tác giả: Nam ở Nhật từ khi sinh ra đến khi lên 5 tuổi. Tôi cũng đã được trải nghiệm nền giáo dục mầm non và tiều học ở Nhật Bản thông qua quãng thời gian đưa con trai sang Nhật học cùng với mẹ. Tôi thấy rằng, cách nói chuyện thể hiện suy nghĩ, chính kiến của mình, hay niềm đam mê đến tận cùng (trong trường hợp của bé Nam, niềm đam mê ở đây là sách), khá giống với cách thức thể hiện của trẻ em Nhật Bản. Có thể, bé đã có những ảnh hưởng của nền giáo dục mầm non ở Nhật Bản. Và cũng có thể, cách giáo dục của bố mẹ bé theo phương hướng gợi mở khả năng tư duy, gợi mở khả năng thể hiện suy nghĩ của bản thân. Bé Nam đã có khả năng diễn đạt rất tốt suy nghĩ của mình. Đặc biệt là bé đã sử dụng rất tốt các từ ngữ tiếng Việt, thể hiện là bé đã đọc rất nhiều sách, và sử dụng được những từ ngữ trong sách rất tốt. Các bạn nghĩ thế nào?
Chuyên gia: Tôi đồng ý. 
Tác giả: Có nhiều ý kiến cho rằng, việc bé Nam mới 11 tuổi mà đã có thành tích về tiếng Anh như vậy là do bé đọc quá nhiều sách, học quá nhiều. Do vậy, bé không có một tuổi thơ đúng nghĩa. Nam hoặc chính bố mẹ Nam đã đánh mất đi tuổi thơ của bé. Các bạn nghĩ sao về điều này?
Chuyên gia: Chúng tôi thấy thế này, một người mạnh về mặt này, đương nhiên, người ta sẽ thiếu đi mặt khác. Bé Nam cảm thấy hạnh phúc với niềm đam mê của mình, đó chẳng phải là một điều tốt với bé rồi hay sao? Chính bé đang cảm thấy rất hài lòng trong thế giới sách của mình đấy thôi?!
Tác giả: Tôi cũng nghĩ như vậy. Dư luận tại VN đã thái quá khi nói về việc "đánh mất tuổi thơ của bé Nam". Dường như họ đang áp đặt rằng, mọi trẻ em phải có một tuổi thơ giống nhau.Tôi cũng cho rằng, Nam đang tận hưởng tuổi thơ với những hứng thú của chính bản thân bé. Còn về việc bé nói "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn" thì các bạn nghĩ sao?
Chuyên gia: Chúng tôi không bàn tới chuyện đúng hay sai trong câu nói này của cậu bé. Điều chúng tôi muốn nói là cậu bé đã thể hiện sự tự tin khi phát ngôn, thể hiện quan điểm khi nói lên chính kiến của mình. Đó là một điều tốt mà chúng tôi nhận thấy. Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, Nam mới chỉ là một cậu bé 11 tuổi. Cùng với những trải nghiệm, những kiến thức mà cậu bé tiếp tục học trong tương lai, cậu bé sẽ nhận thức vấn đề một cách sâu sắc hơn. Chúng tôi tin rằng, cùng với nhận thức ngày một lớn, cậu ấy sẽ khác, sẽ thể hiện sự trưởng thành của mình thôi mà. 

 Cuối cùng, tác giả bài phỏng vấn này xin phép đưa ra những kết luận về những ồn ào vô lý và thái quá đối với bé Đỗ Nhật Nam: Phải chăng, chính người lớn chúng ta đã không khiêm tốn khi đi tranh cãi với một cậu bé mới chỉ có 11 tuổi, ham đọc sách và đã là dịch giả của một vài tác phẩm. Chúng ta nên mừng choTổ quốc khi có một em bé tài năng trong môn tiếng Anh và có niềm đam mê với sách như bé Đỗ Nhật Nam. Thật đáng tiếc cho xã hội VN nếu như chúng ta không có những tấm lòng và tầm nhìn cao hơn. Xin được trích lại lời của hai bạn trẻ tâm huyết đã nói với tôi về hiện tượng bé Đỗ Nhật Nam:

Quách Đức Anh: Việc bé Nam giỏi như vậy là một điều vô cùng đáng quý. Hy vọng trong tương lai, Đỗ Nhật Nam sẽ tiếp tục phát huy, và trở thành một người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước. Còn "việc đánh mất tuổi thơ" là quan điểm chủ quan của một vài người thôi. 90% là Nam thích đọc sách thì cậu bé mới được như vậy. Nếu Nam không thích thì dù bố mẹ có ép cũng không ăn thua. Mỗi người có một sở thích và một định hướng. Cá nhân em thấy việc thích đọc sách từ sớm là việc rất rất tốt.

Sherry Hanh Phan: Em cũng mong mọi người đừng bắt nạt Nhật Nam nữa. Em ấy mới có 11 tuổi, vẫn đang trong quá trình uốn nắn, cần được chỉ bảo để hoàn thiện chứ không phải để mọi người hắt hủi thế này. Giá mà mọi người rộng lượng và yêu thương nhiều hơn để con trẻ phát triển trong tình yêu thương thì tốt biết bao nhiêu, chị Lan Anh nhỉ?

 Còn với riêng tôi, sau khi xem video clip phỏng vấn bé Đỗ Nhật Nam, tôi càng có mong muốn mạnh mẽ hơn trong việc hướng cho con trai mình rèn luyện được thói quen và tạo dựng sở thích đọc sách giống như bé Nam.

 Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước. Người Việt chúng ta, hãy cùng nhau trân trọng và nâng niu những tài năng như bé Đỗ Nhật Nam, cũng như sẽ cùng phát triển thêm nhiều tâm hồn trẻ thơ như thế. Điều đó chẳng phải sẽ tốt cho đất nước chúng ta hay sao!!! Mong rằng chúng ta không làm mất đi sự tự tin của bé Nam. Hãy để bé tự do phát triển khả năng của mình, để bé có thể cống hiến thật nhiều điều mới mẻ cho xã hội VN!

Nguyễn Song Lan Anh
Khóa học Tiến sỹ, chương trình nghiên cứu giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản
Học viện nghiên cứu chính sách GRIPS
Japan Foundation
Phỏng vấn từ Saitama, Nhật Bản.

Bài viết đã được Báo Dân trí biên tập lại và đăng lên theo đường link sau: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hien-tuong-do-nhat-nam-qua-y-kien-chuyen-gia-nuoc-ngoai-719031.htm

Nguồn tư liệu:
1) Video clip phỏng vấn bé Đỗ Nhật Nam


 2) Ý kiến của nhà báo Trương Anh Ngọc trên facebook:
3) Ý kiên của thày giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
4) Các bài báo

13.1.13

Lá thư của cô chủ nhiệm Tanaka và các bạn gửi cho cu Tý

Saitama, ngày 13 tháng 1 năm 2013

   Những ngày đầu năm mới 2013. Cái lạnh đã thực sự bao trùm Hà Nội với nhiệt độ xuống dưới 9 độ C. Mẹ lên máy bay quay trở lại Nhật sau ba tháng cùng con trở về nhà mình. Lần quay trở lại này, bố mẹ đã quyết định để con ở lại, không tiếp tục sang Nhật cùng mẹ nữa. Vẳng bên tai mẹ  là lời nhắn của bố qua điện thoại khi mẹ lên máy bay: "Mẹ đi học cố gắng viết luận văn thật tốt và chóng trở về với hai bố con nhé!". 
   Tokyo, Saitama cũng đã thực sự lạnh. Nhiệt độ ở đây dao động từ 4 đến 12 độ C. Mùa đông ở đây lạnh nhưng có nắng, cũng như năm ngoái con ạ.
   Sau khi sắp xếp đồ đạc, hoàn thành một số thủ tục, ngay ngày hôm sau, mẹ đến trường tiểu học Suzuya để gặp cô giáo chủ nhiệm Tanaka ngay, vì mẹ đã hẹn với cô là hôm nay con sẽ quay trở lại trường học. Chắc hẳn cô và các bạn ở lớp số 1 khối lớp 1 (1nen 1kumi) đều mong con lắm.
Cổng Trường tiểu học Suzuya
  Mẹ mở chốt cổng trường, bước vào. Các bạn lớp số 3 khối lớp 1 đang tập bóng đá ở sân thể dục với cô chủ nhiệm. Thì ra sang học kỳ 3 là có giờ học bóng đá trong các giờ thể dục ở trường rồi đấy con ạ. Các bạn vẫn mặc bộ quần áo đồng phục thể thao mà con vẫn thường hay mặc trong giờ thể dục ở lớp.

Các bạn lớp số 3 khối lớp 1 đang tập bóng đá ở sân thể dục
   Cửa kính lớp con đóng kín. Mùa đông lạnh nên các lớp học phải bật điều hòa nóng. Đứng ngoài cửa lớp nhìn vào, mẹ thấy cô Tanaka đang bắt nhịp để cả lớp tập đàn Pianika.

Cô Tanaka đang bắt nhịp để cả lớp tập đàn Pianika
   Mẹ đứng quan sát vài phút. Bỗng có bạn nào đó nhìn thấy mẹ, và reo lên: "A, mẹ Hienkun!". Thế là cả lớp đồng loạt reo hò : "Hienkun, Hienkun đã quay trở lại rồi!". Những cánh tay giơ lên vui sướng, những nét mặt cười rạng rỡ của các bạn. Cô Tanaka mừng rỡ chạy ra. Mẹ vội thông báo cho cô rằng vì con phải học ở Việt Nam, nên con không thể quay trở lại trường Suzuya để học được nữa. Cả lớp ngưng tiếng hò reo. Và tất nhiên là cô Tanaka rất bất ngờ với thông tin này. Mẹ biết, cô yêu quý tất cả các bạn trong lớp, và cũng rất yêu quý con, nhất là khi con lại là một cậu bé nước ngoài trong lớp, nhưng đã rất nỗ lực và hòa đồng với các bạn. 
   Các bạn lớp con cứ thế yên lặng nhìn mẹ và cô Tanaka trao đổi. Mẹ hẹn với cô Tanaka mấy hôm nữa sẽ đến lớp mang quà của con mua tặng các bạn trong lớp, và gặp mặt chào tạm biệt cô hiệu trường nhà trường. Rồi mẹ vội chào cô và các bạn ra về, bởi mẹ biết, nếu nói thêm nữa, mẹ sẽ không cầm được nước mắt, mà sẽ khóc trước mặt cô thôi. Ra đến cổng trường, nỗi xúc động vẫn khiến mẹ thấy nghẹn lại, bởi biết bao kỷ niệm của con khi sống và học tập ở Nhật, bao kỷ niệm của những tháng ngày con học lớp một dưới ngôi trường tiểu học Suzuya này lại ùa về trong mẹ. Và hơn hết, mẹ biết, con rất yêu cô giáo chủ nhiệm Tanaka, con rất nhớ cô và các bạn trong lớp.
Vườn hoa trước cổng trường với loài hoa mùa đông do các cô trồng
   Ba hôm sau, vào ngày thứ năm vừa rồi, vì không có zemi ở trường, nên mẹ hẹn cô Tanaka đến lớp đưa quà của con mua tặng các bạn. Quà của con mua tặng 29 bạn trong lớp là những con chuồn chuồn tre cả nhà mình mua hôm bố đưa hai mẹ con đi chùa Tây Phương vào ngày mồng một Tết dương lịch vừa rồi.

Chuồn chuồn tre con mua tặng các bạn trong lớp
   Mẹ ra cửa hàng 100 yên, mua túi Nilon để cho từng con chuồn chuồn tre vào, rồi lấy giấy Origami của con, cắt thành hình bông hoa, thay con ghi vào đó rằng: Tớ rất nhớ cô Tanaka và tất cả các bạn!
Mẹ để từng con chuồn chuồn tre vào túi ni lon
      Mẹ đến trường lúc 2 giờ 20 phút chiều, khi các bạn đang gần kết thúc tiết thứ sáu. Cô Tanaka mời mẹ vào lớp. Trong khi mẹ ngồi ở chiếc bàn còn trống cuối lớp sắp lại quà thì các bạn sắp xếp sách vở và đồ dùng để chuẩn bị ra về. Các bạn vừa xếp đồ, vừa ngoảnh nhìn ra phía mẹ.
Các bạn vừa xếp đồ, vừa ngoảnh nhìn ra phía mẹ
   Chắc các bạn ấy hồi hộp lắm, không biết Hienkun mua quà gì đây nhỉ. Cô Tanaka nói với cả lớp: 
 -Mẹ Hienkun đang sắp quà của Hienkun, cả lớp cứ sắp xếp đồ đạc, làm việc của mình, không được làm phiền mẹ Hienkun nhé. 
   Các bạn ngoan ngoãn trả lời: 
 -Vâng ạ., 
   Khi sắp đồ xong, các bạn trở về chỗ ngồi của mình.
   Cô Tanaka nói:
  - Bạn Hienkun đã mua quà gửi cho từng người của lớp mình. Giờ mẹ Hienkun sẽ thay mặt bạn ấy đưa quà cho cả lớp. Các em lên nhận quà nhé. 
  Từng bạn, từng bạn háo hức lên nhận quà là con chuồn chuồn tre với nhiều màu sắc do chính tay con lựa để gửi cho các bạn.


   Đến gói quà số 25, 26, 27, 28, 29, mẹ chưa kịp đưa lá thư hình bông hoa vào, các bạn nhận quà xong chạy lên nói: "Quà của cháu chưa có thư của Hienkun". Mẹ vội xin lỗi các bạn ấy và đưa lời nhắn ghi trên tấm thiếp hình bông hoa vào túi quà nilon của năm bạn còn lại.
Lời nhắn ghi trên những cánh hoa cắt từ giấy Origami của con
   Cô Tanaka nói to: 
 - Giờ cô hỏi cả lớp này. trong lớp mình, bạn nào là bạn thân nhất của Hienkun nhỉ?
   Tất cả lớp quay xuống, nhìn về phía bạn Asahikun. Asahikun giơ cao tay.
   Cô Tanaka lại nói: 
 - Đúng rồi. Asahikun là bạn thân nhất của Hienkun trong lớp mình. Vậy thì, Asahikun sẽ đại diện cả lớp. đưa cho mẹ Hienkun tập thư gồm 30 lá thư, mà cô và cả lớp đã viết gửi cho bạn ấy nhé.
 Đến lúc này, thì mẹ không thể che giấu được nỗi xúc động, và cảm xúc khi con phải chia tay cô giáo chủ nhiệm Tanaka, và các bạn ở lớp số 1 khối lớp 1 của Trường tiểu học Suzuya, ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời cắp sách tới trường của con. Bởi vậy, nước mắt mẹ đã trào ra, dù mẹ đã cố, mà không sao ngăn được.
   Asahikun là cậu bạn thân nhất trong lớp của con. Mấy tháng trước, khi con còn học ở lớp,  cứ đến thứ sáu cuối tuần, con lại xin phép mẹ cho con qua nhà bạn ấy chơi, hoặc bạn ấy lại xin phép mẹ bạn ấy đến nhà mình để hai đứa chơi cùng nhau và thi bakugan. Asahikun rời khỏi chỗ của mình, lên trên bục giảng nhận tập thư của cả lớp từ tay cô Tanaka và đưa cho mẹ. Cô Tanaka dặn bạn ấy đợi mẹ chụp ảnh để gửi về cho Hienkun xem. Nước mắt mẹ lại trào ra con ạ.
Bạn Asahikun cầm tập thư viết cho con gồm 30 lá thư của cô Tanaka và cả lớp đưa cho mẹ
   Tập thư gồm lá thư của cô Tanaka và của 29 thành viên trong lớp được cô Tanaka đóng lại cẩn thận thành quyển. Phía sau trang bìa đầu tiên là ảnh cả lớp đi dã ngoại cùng cô Tanaka và thầy giáo vụ vào tháng 11. Lần đi dã ngoại này, cả lớp được đi khá xa. Đó là công viên 東武動物公園 (Tobudobutsu kouen). Công viên này hẳn con vẫn còn nhớ, mẹ đã dẫn con đi vào hồi mùa hè còn gì. Con đã bơi suốt nửa ngày ở đó, và cùng mẹ đi chuyến jet coaster cảm giác mạnh hú vía.
   Gọi điện thoại về cho con, mẹ nói cô và các bạn gửi thư cho con đấy. Con bảo mẹ nhớ gửi bưu điện về ngay cho con để con đọc. Rồi con cũng nói mẹ đọc luôn thư của cô Tanaka và của một vài bạn trong lớp qua skype. 
Lá thư của cô Tanaka viết cho con
   Thư cô Tanaka viết thế này: (Đây là lá thư tràn đầy tình cảm của cô giáo chủ nhiệm dành cho con. Mẹ nghĩ cô sẽ không phiền lòng khi mẹ dịch lá thư này trên blog của con. Mẹ tin, nhiều người đọc nó sẽ hiểu và cảm động về tấm lòng của cô).

"Gửi Hienkun,
  Em có khỏe không? Vậy là em đã hoàn toàn quay trở lại với cuộc sống của mình ở Việt Nam rồi đấy nhỉ!
 Cô rất muốn biết Hienkun đang học và có cuộc sống như thế nào tại Việt Nam. Các bạn ở lớp số 1 khối lớp 1 của trường Suzuya đã tham gia rất nhiều hoạt động, và các bạn ấy rất cố gắng học đấy. Các bạn ấy rất hay cười, và rất gắn bó với nhau.
 Cô và các bạn mãi mãi coi em là một thành viên trong lớp số 1 khối lớp 1 này. Giờ về hẳn Việt Nam rồi, em hãy thật cố gắng nhé. 
 Cô luôn ủng hộ em đấy Hienkun.
 Cô Tanaka, trường tiểu học Suzya"

    Các bạn viết thư trên nền khung viền cô Tanaka đã vẽ. Cành hoa anh đào do cô Tanaka vẽ rồi phô tô trên trang giấy viết thư cũng được mỗi bạn tô theo màu mình thích. Có bạn tô cả cành hoa là một màu, có bạn tô mỗi màu cho mỗi bông hoa trong cành hoa ấy. Trong nội dung 29 lá thư của các bạn trong lớp viết cho con, các bạn ấy kể rằng, ở lớp đã học rất nhiều chữ Kanji (chữ Hán). Con vốn rất thích học chữ Hán đấy con nhỉ. Ngày còn học ở lớp, con thường tự học trước chữ Hán, rồi đến lớp thi đố và luyện cùng các bạn. Các bạn nói rằng các bạn ấy đã đợi con quay trở lại, và buồn khi biết con phải ở lại Việt Nam. Với các bạn, con mãi mãi là bạn của cả lớp. Các bạn ấy nhớ những buổi cả lớp trực nhật, dọn dẹp lớp học và lau bàn ghế cùng con. Có bạn kể về bài tập đọc trên lớp, những bài đọc trong sách giáo khoa lớp một mà con đã rất chăm chỉ luyện tập hàng ngày. Có bạn kể trong học kỳ 2, cả lớp đã trồng thêm cây mới vào bồn cây của mình. Có bạn kể rằng bữa ăn trưa ở lớp giờ có cả bánh ga tô rất ngon. Có bạn hẹn gặp lại con để cùng chơi bóng đá, chơi trốn tìm... Hai mươi chín lá thư là hai chín tình cảm của các bạn dành cho con, những nỗi nhớ, những kỷ niệm, và những câu chuyện ở lớp. Và mẹ biết, con cũng rất nhớ, nhớ rất nhiều cô Tanaka và các bạn trong lớp.

   Con trai của mẹ! Trường tiểu học Suzuya là ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời cắp sách tới trường của con. Chỉ với sáu tháng học dưới ngôi trường này, con đã có đầy ắp kỷ niệm, con đã cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được học với thày cô và bạn bè trong lớp số 1 khối lớp 1. Con đã được học và được dìu dắt bởi cô giáo chủ nhiệm rất tâm lý và rất hiền, cô giáo mà hầu như ngày nào con cũng nhắc, cũng nói với mẹ, với bố khi đã trở về Việt Nam. Mẹ biết giờ đây, con rất nhớ cô và các bạn, nhớ những giờ học và giờ chơi ở ngôi trường này. Nhưng con biết không, trong suốt cuộc đời của mình,  hay chỉ trong cuộc đời cắp sách tới trường thôi, con sẽ có thêm nhiều cuộc hội ngộ nữa, để rồi lại  có cảm xúc buồn như thế này khi chia xa. Nhưng con hãy nhớ rằng, chia xa là để bắt đầu cho một sự khởi đầu mới. Thời gian vẫn không ngừng trôi, cuộc sống vẫn không ngừng tiếp diễn. Mẹ mong con biết trân quý những tháng ngày mình đã có, biết trân trọng những tình cảm mình đã nhận được, để tiếp tục cố gắng. Viết đến đây, mẹ lại nhớ đến những dòng status trên facebook mẹ đã viết trong nỗi xúc động khi quyết định để con ở lại Việt Nam học: "Giờ đây, mẹ càng thấm thía lời câu thơ: "Khi ta ở đất là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Con vẫn nói, một ngày nào đó con sẽ quay trở lại Nhật Bản, để tìm bạn Chihirochan, vì con đã hứa với bạn ấy". Và nữa, mẹ muốn nói với con: Việc mẹ được học bổng tham dự Khóa học TS này, để cho con có cơ hội trải nghiệm như thế này, đã là một may mắn mà cơ duyên mẹ con mình được đón nhận rồi, phải không con?
   Và trong cuốn sổ nhật ký của mẹ, với những cảm xúc như thế, mẹ đã ghi thế này:
 "ヒエン君にベトナムにいさせ、ヒエン君を離れるのはつらいだ。でも、ヒエン君の将来のために、私の将来のために、そのように決めた。今こそそれは良い決定だと思う。
 大変だったが、2年間博士課程で勉強しながら、1人でヒエン君に育児し、日本での生活と教育を体験させた。これからヒエン君が体験することで受けた日本の良いことを覚え、学び、将来につながると良いと思う。"
   Mẹ dịch lại như sau:
 "Mẹ rất buồn khi phải xa con, khi quyết định để con ở lại Việt Nam học. Nhưng vì tương lai của con, và bởi điều kiện học của mẹ, bố mẹ đã quyết định như vậy. Đó là quyết định cần thiết và hợp lý vào thời điểm này.
 Tuy đã vất vả, nhưng hai năm qua, mẹ đã cố gắng vừa tham dự bậc học Tiến sỹ, vừa một mình chăm con trong điều kiện xa quê hương. Vậy là con đã được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và học tập ở Nhật Bản. Hy vọng rằng, con sẽ học được những điều tốt từ đất nước và con người Nhật Bản mà con đã thu lượm được trong những trải nghiệm này, để cố gắng hơn nữa cho tương lai của cuộc đời con, con nhé!".