NHẬT KÝ CỦA CU TÝ PHIÊU LƯU KÝ THEO CHUYÊN MỤC:

21.4.12

Nói với con: Mẹ đã gặp những người Việt Nam khó khăn tại Nhật Bản

   Saitama, ngày 20 tháng 4 năm 2012
   Mấy hôm trước, Trung tâm phúc lợi xã hội trực thuộc thành phố liên lạc với mẹ. Họ nhờ mẹ đi phiên dịch cho một gia đình Việt Nam xin bảo trợ của thành phố. Vì vậy, sáng nay mẹ phải đi sớm để ra tàu điện đi cho kịp giờ. Cu Tý buổi sáng đi học phải tự ra đầu ngõ, nơi các anh chị lớp trên đợi con để cùng đi đến trường.
   Mẹ lên xe điện lúc 8 giờ sáng và ngồi xe điện một tiếng rưỡi mới tới nơi. Xuống khỏi tàu điện, ra ngoài cửa soát vé, hai bác người Nhật đã đứng đợi sẵn ở đó. Sau khi chào hỏi, hai bác và mẹ lên xe ô tô đi tiếp để đến nhà của gia đình người Việt Nam đó. 
   Ngồi trên xe ô tô, bác trưởng phòng trao đổi với mẹ về nội dung phiên dịch. Bác nói: Chúng tôi sẽ nói với họ là từ chối bảo trợ cho gia đình, bởi theo như hồ sơ, gia đình họ không nằm trong diện phải bảo trợ. Có lẽ họ chưa hiểu được mục đích bảo trợ của Quỹ phúc lợi xã hội chúng tôi. Chúng tôi chỉ bảo trợ chi phí ăn uống hàng tháng cho những người có hoàn cảnh khó khăn mà thôi. Mẹ thoáng suy nghĩ: Không hiểu gia đình người Việt Nam này thế nào mà xin bảo trợ lại không được chấp nhận?
   Khoảng chừng hai mươi phút sau, xe tới nơi. Đó là một nơi vắng người. Theo các bác nói, cư dân thành phố chỉ chừng ba mươi ngàn người. Nơi này hơi lạnh hơn chỗ hai mẹ con ở, vì đây là vùng núi. Lác đác đây đó vẫn còn những cây hoa anh đào đương hoa. Hai bên đường là những cánh đồng lúa, và những vườn rau lớn. Mẹ lại nhớ tới những lần bố, mẹ và ông bà nội cùng cu Tý về thăm quê ở HP, cũng những cánh đồng lúa trải dài bên đường như thế này.
    Ra mở cửa là một người đàn ông trung niên, dáng gầy yếu. Bác mời mẹ và hai người Nhật vào nhà. Hôm nay cũng chỉ có mình bác này ở nhà. Có lẽ, gia đình họ vẫn hy vọng sẽ nhận được bảo trợ của thành phố. Còn mẹ thì chuẩn bị tinh thần sẽ dịch về việc Trung tâm phúc lợi xã hội từ chối bảo trợ cho gia đình. 
  Bác trưởng phòng hỏi han kỹ càng về tình trạng của từng người trong gia đình. Bác chủ nhà trình bày chi tiết về hoàn cảnh gia đình mình. Cả gia đình đến Nhật đã ngót nghét hai mươi năm. Cả nhà có hai vợ chồng và ba người con. Vợ bác ấy mới mổ được hơn một tháng. Vết mổ đôi khi vẫn còn đau. Nhưng vì kinh tế, vợ bác vẫn phải đi làm. Công việc cũng chẳng đáng là bao. Kinh tế Nhật vẫn đang trong thời kỳ giảm sút, vì thế công việc cũng không có nhiều. Bác trai thì đang nghỉ việc. Cơ thể của bác ấy đau nhức thường xuyên sau một vụ tai nạn của nhiều năm trước. Bác ấy vẫn có thể đi làm, nhưng chỉ nên làm những công việc nhẹ nhàng theo lời khuyên của bác sỹ. Người con út vẫn còn nhỏ và đang đi học. Hai người con lớn đã học xong cấp ba, hiện đang đi làm. Nhưng công việc của họ cũng chỉ theo thời vụ, thu nhập chẳng đáng kể là bao. Có lẽ cũng bởi, nền kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục trì trệ trong suốt những năm gần đây, nên công việc không có nhiều, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
   Vừa nghe bác kể chi tiết về tình trạng sức khỏe của từng thành viên, hoàn cảnh kinh tế của gia đình, mẹ thấy cổ họng mình nghèn nghẹn. Vẫn biết trong cuộc sống, trên thế giới này, vẫn còn nhiều hoàn cảnh, nhiều vùng miền vô cùng khốn khó, vậy mà mẹ vẫn thấy nghẹn ngào trong lòng khi chứng kiến hoàn cảnh của  những con người đồng hương này, khi nhìn thấy họ sống cuộc sống khó khăn  trong một xã hội phát triển và tiện nghi là Nhật Bản.
   Bác trưởng phòng tiếp tục hỏi về bố mẹ, và trình độ học vấn của vợ chồng bác chủ nhà. Bác chủ nhà trình bày tiếp: Vợ bác mồ côi bố mẹ năm mới hai tuổi. Bố mẹ bác ấy bị mất bởi bom đạn của Mỹ. Vì mồ côi bố mẹ sớm, nên vợ bác ấy không hề được đi học, chưa từng trải qua trường lớp nào cả. Giờ thì vợ bác ấy có biết một ít chữ là do bác ấy dạy cho, sau khi hai người kết hôn.
   Nghe đến đây, mẹ vừa dịch, mà nước mắt cứ lăn trên má (Tất nhiên mẹ đã cố kìm nén để che giấu cảm xúc của mình, nhưng không được con ạ). Lần đầu tiên trong cuộc đời,  mẹ đã khóc khi đang thực hiện công tác phiên dịch. Bác chủ nhà nhìn mẹ và nói: "Em được sinh ra trong thời bình, nên chắc em sẽ không biết được những khốn khó của những con người trải qua chiến tranh. Thiếu thốn nhiều lắm em ạ". 
   Sau khi nghe kỹ về hoàn cảnh gia đình, bác trưởng phòng cũng cảm thấy xúc động. Bác nói rằng, qua buổi điều tra ngày hôm nay, bác đã hiểu hơn về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Và gia đình có nhiều khả năng nằm trong diện được bảo trợ. Tất nhiên, các bác vẫn phải tiến hành các thủ tục xác nhận minh chứng thực thông qua giấy tờ, ngân hàng... Đó là sự thay đổi trong quyết định so với dự định ban đầu của bác. Mẹ thấy vui vì điều này. Dù sao thì gia đình họ cũng có tia hy vọng.
   Con ạ! Hàng ngày đi cùng mẹ, con vẫn nhìn thấy nhiều người khuyết tật trên đường phố. Và con vẫn luôn thể hiện sự khâm phục khi các anh, chị ấy bị khuyết tật một phần cơ thể, hay thiểu năng, mà vẫn rất cố gắng, vẫn tự lực làm mọi việc của bản thân mình. Còn câu chuyện hôm nay mẹ kể con nghe, là câu chuyện của những người có cuộc sống khó khăn. Chắc bản thân họ cũng chẳng muốn phải đi xin bảo trợ như thế này đâu. Con ạ, trong cuộc sống này, trong xã hội này, vẫn có nhiều con người phải sống những cuộc sống khó khăn như thế đấy!
   Kể đến đây, mẹ lại nhớ tới bài hát "Bên em đang có ta". Bài hát này do nhạc sỹ Trúc Hồ và nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng viết riêng cho các trẻ em Việt Nam mồ côi trong các trại tị nạn tại nước ngoài. Con nghe nhé!
   Lời bài hát như thế này:
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời
Cười hồn nhiên tung tăng hát vang, mừng nắng tươi
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời
Rời lòng nôi trong đêm gió mưa, ra biển khơi

Mẹ yêu em thiết tha, hơn mùa xuân trong cuộc đời
Chờ nhìn con theo hoa hướng dương, tìm nắng soi
Cha yêu em thiết tha, mang gởi con cho tình người
Mặc đại dương mênh mông khoác lên, thân nhỏ nhoi

Bên em đang có ta, hát về em tương lai xót xa
Hát giùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa
Bên em đang có ta, thống thiết kêu van lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
Khóc trong lầm than
Khóc trong trại giam

Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi...


Ghi chú: Do vấn đề bảo mật về thông tin của cơ quan, và thông tin của cá nhân, nên câu chuyện mẹ kể cho con trên đây không ghi cụ thể tên cơ quan, tên nhân vật. Và bởi vậy, nội dung câu chuyện về hoàn cảnh gia đình bác chủ nhà cũng không được mẹ kể chi tiết.   
  
  

5 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cảm ơn chú Nguyễn Hải Thanh. Bố và mẹ cu Tý thấy hạnh phúc vì cu Tý đã đến với cuộc đời của bố và mẹ. Mẹ cu Tý vẫn theo dõi blog của chú Thanh và mong muốn cu Tý sẽ học được võ, và học được đạo như CLB võ thuật Việt Nhật đang thực hiện đấy.

      Xóa
  2. Bai viet rat xuc dong. Haizz di dich lam canh tro treu lam day LA:( To cung da co lan chay nuoc mat vi di dich nhung co kiem che de ra den oto khong thay partners moi khoc vi la to chi toan dich ky ket hop dong va business transaction thui nhung nhieu luc thay long tu hao dan toc bi de bep di :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Linh nhiều. Uh, hôm qua đi về tớ cứ thấy nghèn nghẹn lắm Linh ạ.

      Xóa
  3. Bên em đang có ta, hát về em tương lai xót xa
    Hát giùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa
    Bên em đang có ta, thống thiết kêu van lương tâm thế gian
    Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
    Khóc trong lầm than
    Khóc trong trại giam

    Trả lờiXóa

Hãy để lại lời bình, cảm xúc, suy nghĩ của bạn về trang Nhật ký này của Cu Tý phiêu lưu ký ở mục ghi cảm nghĩ phía trên nhé!