NHẬT KÝ CỦA CU TÝ PHIÊU LƯU KÝ THEO CHUYÊN MỤC:

13.7.12

Tạm biệt tháng 6 (Phần 1: Hoa cỏ tháng 6)

  
   Ngày 1 tháng 7 năm 2012   
   Tháng 6 đã đi qua.
   Tháng 6 là thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Nhật Bản con nhỉ. Và mẹ con mình đã nhìn thấy mùa của những cánh hoa rực rỡ bung nở trong mưa.
   Ở Saitama, nơi hai mẹ con mình sinh sống, hay ở bất cứ nơi nào tại Nhật Bản lúc này, hoa cẩm tú cầu (tiếng Nhật gọi là hoa Ajisai) đã nở rộ trên các con đường lớn, nhỏ, nơi các công viên, hay trên cánh đồng cỏ. Chắc con cũng hiểu, người dân Nhật Bản có tình cảm đặc biệt với loài hoa này, bởi nó mang lại sức sống cho mùa mưa Nhật Bản, vốn được coi là vô cùng ảm đạm.
   Con ạ, một lý do nữa của việc người Nhật yêu thích hoa cẩm tú cầu, là bởi nó cũng là loài hoa báo hiệu mùa hè đến. Cẩm tú cầu góp phần tô điểm thêm nhiều sắc màu tươi vui cho cuộc sống, giúp vợi bớt đi cái nóng oi ả của mùa hè.

   Ông Goto hẹn đưa hai mẹ con đi chơi để ngắm khung cảnh thiên nhiên Nhật Bản trong tháng 6. Ấy vậy mà mẹ cứ bận rộn với luận văn, và kèm bài vở cho con học, nên cứ lần lữa mãi với ông. Hôm 30 tháng 6, ông gọi điện thoại bảo: "Nếu cháu không đi vào chủ nhật ngày mai (Ngày 1 tháng 7), thì hoa Ayame sẽ tàn đấy. Tuần trước bác đi xem, là đúng độ hoa Ayame mãn khai rồi". (Chả là có lần mẹ xem ảnh về một vườn hoa Ayame ở gần nhà ông Goto. Ayame là một loài hoa cũng nở vào tháng 6 ở Nhật Bản. Bởi vậy, ông hứa sẽ dẫn mẹ đi tham quan vườn hoa này, vừa là để đi picnic, vừa là để mẹ lấy dữ liệu về thiên nhiên Nhật Bản).
   Thế là ngày chủ nhật, 1 tháng 7, hai mẹ con mình lên tàu, đến ga Kagohara, nơi tiếp giáp của tỉnh Saitama và tỉnh Gunma.
   Con còn nhớ không, đây là hình ảnh một chú chim bồ câu đi lũn tũn trong nhà ga Omya, khi hai mẹ con mình chuyển tàu ở đó để đến ga Kagohara. Con đã rất thích thú, nên rón rén đi theo sau chú chim bồ câu đó trong sân ga.
   10 giờ rưỡi sáng, hai mẹ con mình tới ga. Ông Goto đã đợi sẵn ở đó. Con chào ông, và khoe ông cái hộp nhựa nuôi côn trùng cùng chiếc vợt trắng để bắt côn trùng. Ông bảo: "Hóa ra Hienkun thích côn trùng à? Sao mẹ Lan Anh không nói trước, để ông tra đường đi đến công viên côn trùng. Ở tỉnh Gunma có một công viên côn trùng hết sức thú vị. Chắc chắn Hienkun sẽ thích". Con bảo: 
- Ông ơi, cháu muốn đi công viên côn trùng cơ!
Ông nói:
- Thôi được, chúng ta cứ lên xe đã. Ông sẽ tra thử đường đi. Trước hết, chúng ta cứ đi theo lịch trình đã lên kế hoạch từ trước đã nhé. Đến chiều, chúng ta sẽ đi công viên côn trùng.
Hai mẹ con mình lên xe của ông Goto. Vừa lái xe, ông vừa nói chuyện, hỏi han hai mẹ con. Ông đưa cho con túi bánh ông đã mua sẵn để con ăn trên xe. Toàn những loại bánh mà con rất thích. Ông lúc nào cũng chu đáo như vậy với mọi người đấy con ạ. 
Sau đây là chùm ảnh ở vườn hoa Ayame. Ông Goto rất thích vườn hoa Ayame này. Ông bảo năm nào ông cũng lái xe tới đây để ngắm hoa, đặc biệt là vào thời điểm hoa mãn khai.

   Ayame là loài hoa bắt đầu nở vào tháng 5. Thời điểm hoa mãn khai đẹp nhất là vào giữa tháng 6. Hôm nay đã là ngày mùng 1 tháng 7. Những ngày này hoa bắt đầu sẽ tàn dần. Ayame tiếng Việt là hoa Diên Vỹ. Ở Nhật, hoa Diên Vỹ tượng trưng cho chí khí anh hùng và dòng dõi quý phái.
   Vườn hoa Diên Vỹ này nằm ngay sát cạnh con đường cao tốc. Cạnh vườn hoa là một đồng cỏ dại.



   Cu Tý hỏi ông Goto rằng, không biết ở đây có bọ cánh cứng không ông nhỉ? Ông bảo, chắc ở đây cũng có bọ cánh cứng. Nhưng phải đến từ sáng sớm cơ, may ra mới có thể nhìn thấy bọn chúng.
   Con cầm chiếc vợt trắng, chạy trên cánh đồng cỏ và mải mê đuổi theo các chú bướm.

   Và bắt được chú đầu tiên.
    Rồi hai, rồi ba chú. Tất cả các chú bướm đã ở trong chiếc hộp côn trùng.

    Sau đó, hai mẹ con và ông Goto đi một vòng quanh vườn hoa để tận hưởng không khí và khung cảnh thiên nhiên nơi đây.
   Vào học lớp một đã được ba tháng, ngày nào con cũng tất bật với bài vở, rồi những buổi luyện bơi, luyện bóng đá... Hôm nay được đi chơi giữa khung cảnh thiên nhiên yên bình thế này, hẳn hôm nay con cảm thấy thật vô cùng sảng khoái.

   Bên trong khu vườn hoa có một cái mương. Ở đó có những chú lươn đồng, và những chú tôm đồng của Nhật (ebigani). Có hai bố con một bạn chạc bằng tuổi con đang dùng chiếc cần câu để câu những chú ebigani. Con đếm được trong chiếc xô của bạn đó có chừng 7, 8 con. Có một vài chú rất to.


   Hai mẹ con ông cháu đi lòng vòng quanh vườn hoa một lúc. Trời bắt đầu lấm tấm vài hạt mưa. Lúc này là 12 giờ trưa. Ông Goto bảo: "Chúng ta lên đường tiếp thôi". Con gật đầu và đi theo sau ông ra chỗ để xe.
   Ô kìa, con chỉ cho mẹ. Trên thân cây cổ thụ là chiếc vỏ của một con côn trùng đã lột xác. Con vẫn hay xem sách về côn trùng và biết rằng côn trùng sẽ phải trải qua quá trình lột xác trước khi trở thành một chú sâu trưởng thành. Hôm nay con đã được nhìn thấy chiếc vỏ sau khi con côn trùng lột xác và để lại trên thân cây rồi  nhé. Không biết đây là vỏ của con côn trùng gì nhỉ?
 Ra đến cánh đồng cỏ phía ngoài cửa vào, cu Tý lại dùng vợt bắt thêm được hai chú bướm nữa. Ông Goto bảo: "Ồ, hóa ra Hienkun là chuyên gia về loài bướm đây (chyochyo no senmonka)".
   Rồi ông giúp cu Tý cho các chú bướm vào hộp côn trùng. Vì con sợ, nhỡ mình làm không khéo, các chú bướm trong hộp sẽ thoát ra, và bay đi mất.

   Thế là mẹ, con và ông Goto đã hoàn thành chặng thứ nhất trong buổi đi Picnic tại tỉnh Gunma, để tạm biệt tháng 6. Chặng tiếp theo, mẹ và con được ông Goto đưa đi thăm vườn quả anh đào Nhật Bản (tiếng Nhật là sakuranbo). Đây cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ phải không con. Trước khi lên xe để đi tiếp, mẹ đã gọi điện thoại kể cho bố Th nghe về buổi picnic hôm nay của hai mẹ con.
   Bài Nhật ký tiếp theo sẽ ghi lại những hình ảnh của con tại vườn quả anh đào Nhật Bản (Sakuranbo). Những hình ảnh trong trang Nhật ký này là do mẹ chụp. Một vài bức ảnh là của ông Goto chụp và gửi cho mẹ. Đặc biệt, những bức ảnh hoa Ajisai tháng 6 là do chuyên gia nhiếp ảnh Gomene chụp ở Tokyo, và mẹ đã nhận được sự đồng ý cho post hình.

21.4.12

Nói với con: Mẹ đã gặp những người Việt Nam khó khăn tại Nhật Bản

   Saitama, ngày 20 tháng 4 năm 2012
   Mấy hôm trước, Trung tâm phúc lợi xã hội trực thuộc thành phố liên lạc với mẹ. Họ nhờ mẹ đi phiên dịch cho một gia đình Việt Nam xin bảo trợ của thành phố. Vì vậy, sáng nay mẹ phải đi sớm để ra tàu điện đi cho kịp giờ. Cu Tý buổi sáng đi học phải tự ra đầu ngõ, nơi các anh chị lớp trên đợi con để cùng đi đến trường.
   Mẹ lên xe điện lúc 8 giờ sáng và ngồi xe điện một tiếng rưỡi mới tới nơi. Xuống khỏi tàu điện, ra ngoài cửa soát vé, hai bác người Nhật đã đứng đợi sẵn ở đó. Sau khi chào hỏi, hai bác và mẹ lên xe ô tô đi tiếp để đến nhà của gia đình người Việt Nam đó. 
   Ngồi trên xe ô tô, bác trưởng phòng trao đổi với mẹ về nội dung phiên dịch. Bác nói: Chúng tôi sẽ nói với họ là từ chối bảo trợ cho gia đình, bởi theo như hồ sơ, gia đình họ không nằm trong diện phải bảo trợ. Có lẽ họ chưa hiểu được mục đích bảo trợ của Quỹ phúc lợi xã hội chúng tôi. Chúng tôi chỉ bảo trợ chi phí ăn uống hàng tháng cho những người có hoàn cảnh khó khăn mà thôi. Mẹ thoáng suy nghĩ: Không hiểu gia đình người Việt Nam này thế nào mà xin bảo trợ lại không được chấp nhận?
   Khoảng chừng hai mươi phút sau, xe tới nơi. Đó là một nơi vắng người. Theo các bác nói, cư dân thành phố chỉ chừng ba mươi ngàn người. Nơi này hơi lạnh hơn chỗ hai mẹ con ở, vì đây là vùng núi. Lác đác đây đó vẫn còn những cây hoa anh đào đương hoa. Hai bên đường là những cánh đồng lúa, và những vườn rau lớn. Mẹ lại nhớ tới những lần bố, mẹ và ông bà nội cùng cu Tý về thăm quê ở HP, cũng những cánh đồng lúa trải dài bên đường như thế này.
    Ra mở cửa là một người đàn ông trung niên, dáng gầy yếu. Bác mời mẹ và hai người Nhật vào nhà. Hôm nay cũng chỉ có mình bác này ở nhà. Có lẽ, gia đình họ vẫn hy vọng sẽ nhận được bảo trợ của thành phố. Còn mẹ thì chuẩn bị tinh thần sẽ dịch về việc Trung tâm phúc lợi xã hội từ chối bảo trợ cho gia đình. 
  Bác trưởng phòng hỏi han kỹ càng về tình trạng của từng người trong gia đình. Bác chủ nhà trình bày chi tiết về hoàn cảnh gia đình mình. Cả gia đình đến Nhật đã ngót nghét hai mươi năm. Cả nhà có hai vợ chồng và ba người con. Vợ bác ấy mới mổ được hơn một tháng. Vết mổ đôi khi vẫn còn đau. Nhưng vì kinh tế, vợ bác vẫn phải đi làm. Công việc cũng chẳng đáng là bao. Kinh tế Nhật vẫn đang trong thời kỳ giảm sút, vì thế công việc cũng không có nhiều. Bác trai thì đang nghỉ việc. Cơ thể của bác ấy đau nhức thường xuyên sau một vụ tai nạn của nhiều năm trước. Bác ấy vẫn có thể đi làm, nhưng chỉ nên làm những công việc nhẹ nhàng theo lời khuyên của bác sỹ. Người con út vẫn còn nhỏ và đang đi học. Hai người con lớn đã học xong cấp ba, hiện đang đi làm. Nhưng công việc của họ cũng chỉ theo thời vụ, thu nhập chẳng đáng kể là bao. Có lẽ cũng bởi, nền kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục trì trệ trong suốt những năm gần đây, nên công việc không có nhiều, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
   Vừa nghe bác kể chi tiết về tình trạng sức khỏe của từng thành viên, hoàn cảnh kinh tế của gia đình, mẹ thấy cổ họng mình nghèn nghẹn. Vẫn biết trong cuộc sống, trên thế giới này, vẫn còn nhiều hoàn cảnh, nhiều vùng miền vô cùng khốn khó, vậy mà mẹ vẫn thấy nghẹn ngào trong lòng khi chứng kiến hoàn cảnh của  những con người đồng hương này, khi nhìn thấy họ sống cuộc sống khó khăn  trong một xã hội phát triển và tiện nghi là Nhật Bản.
   Bác trưởng phòng tiếp tục hỏi về bố mẹ, và trình độ học vấn của vợ chồng bác chủ nhà. Bác chủ nhà trình bày tiếp: Vợ bác mồ côi bố mẹ năm mới hai tuổi. Bố mẹ bác ấy bị mất bởi bom đạn của Mỹ. Vì mồ côi bố mẹ sớm, nên vợ bác ấy không hề được đi học, chưa từng trải qua trường lớp nào cả. Giờ thì vợ bác ấy có biết một ít chữ là do bác ấy dạy cho, sau khi hai người kết hôn.
   Nghe đến đây, mẹ vừa dịch, mà nước mắt cứ lăn trên má (Tất nhiên mẹ đã cố kìm nén để che giấu cảm xúc của mình, nhưng không được con ạ). Lần đầu tiên trong cuộc đời,  mẹ đã khóc khi đang thực hiện công tác phiên dịch. Bác chủ nhà nhìn mẹ và nói: "Em được sinh ra trong thời bình, nên chắc em sẽ không biết được những khốn khó của những con người trải qua chiến tranh. Thiếu thốn nhiều lắm em ạ". 
   Sau khi nghe kỹ về hoàn cảnh gia đình, bác trưởng phòng cũng cảm thấy xúc động. Bác nói rằng, qua buổi điều tra ngày hôm nay, bác đã hiểu hơn về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Và gia đình có nhiều khả năng nằm trong diện được bảo trợ. Tất nhiên, các bác vẫn phải tiến hành các thủ tục xác nhận minh chứng thực thông qua giấy tờ, ngân hàng... Đó là sự thay đổi trong quyết định so với dự định ban đầu của bác. Mẹ thấy vui vì điều này. Dù sao thì gia đình họ cũng có tia hy vọng.
   Con ạ! Hàng ngày đi cùng mẹ, con vẫn nhìn thấy nhiều người khuyết tật trên đường phố. Và con vẫn luôn thể hiện sự khâm phục khi các anh, chị ấy bị khuyết tật một phần cơ thể, hay thiểu năng, mà vẫn rất cố gắng, vẫn tự lực làm mọi việc của bản thân mình. Còn câu chuyện hôm nay mẹ kể con nghe, là câu chuyện của những người có cuộc sống khó khăn. Chắc bản thân họ cũng chẳng muốn phải đi xin bảo trợ như thế này đâu. Con ạ, trong cuộc sống này, trong xã hội này, vẫn có nhiều con người phải sống những cuộc sống khó khăn như thế đấy!
   Kể đến đây, mẹ lại nhớ tới bài hát "Bên em đang có ta". Bài hát này do nhạc sỹ Trúc Hồ và nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng viết riêng cho các trẻ em Việt Nam mồ côi trong các trại tị nạn tại nước ngoài. Con nghe nhé!
   Lời bài hát như thế này:
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời
Cười hồn nhiên tung tăng hát vang, mừng nắng tươi
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời
Rời lòng nôi trong đêm gió mưa, ra biển khơi

Mẹ yêu em thiết tha, hơn mùa xuân trong cuộc đời
Chờ nhìn con theo hoa hướng dương, tìm nắng soi
Cha yêu em thiết tha, mang gởi con cho tình người
Mặc đại dương mênh mông khoác lên, thân nhỏ nhoi

Bên em đang có ta, hát về em tương lai xót xa
Hát giùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa
Bên em đang có ta, thống thiết kêu van lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
Khóc trong lầm than
Khóc trong trại giam

Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi...


Ghi chú: Do vấn đề bảo mật về thông tin của cơ quan, và thông tin của cá nhân, nên câu chuyện mẹ kể cho con trên đây không ghi cụ thể tên cơ quan, tên nhân vật. Và bởi vậy, nội dung câu chuyện về hoàn cảnh gia đình bác chủ nhà cũng không được mẹ kể chi tiết.   
  
  

18.4.12

Cu Tý và tháng Tư: Hoa anh đào, ngày khai trường - SỰ KHỞI ĐẦU và NIỀM HY VỌNG (Phần 1)

Saitama, ngày 13 tháng 4 năm 2012
   Cu Tý đã cùng với mẹ trải qua mùa đông thứ hai ở Nhật Bản. Khí hậu ở Nhật Bản có đặc điểm là bốn mùa rõ nét. Mùa đông thì quá lạnh, còn mùa hè lại quá nóng. Nhưng, mùa đông năm nay đặc biệt giá lạnh. Mùa đông đến sớm và ở lại rất lâu. Tuyết năm nay rơi đến ba lần, và phủ dày. Trời vô cùng  lạnh giá. Thế nhưng, cu Tý không cảm thấy buồn phiền vì điều đó. Con luôn hào hứng tận hưởng niềm vui được nhìn thấy tuyết.
Cu Tý cùng với tuyết trong mùa đông thứ hai ở Nhật

     Hôm vừa rồi, các bạn nước ngoài cùng phòng nghiên cứu với mẹ có bảo thế này: Họ ghét nhất là mùa đông và mùa mưa ở Nhật. Còn mẹ thì tổng kết lại rằng điều kiện thiên nhiên ở nước Nhật có những thứ sau mà  mọi người chẳng thích tẹo nào. Đó là: 1) Mùa đông, 2) Mùa mưa, 3) Động đất, 4) Sóng thần. Giá lạnh là thế, vậy mà mùa đông năm nay cứ nấn na nấn ná mãi.
   Thế rồi, cho tới những ngày đầu tháng tư, ánh nắng mùa xuân cũng lấp ló trên những nụ hoa anh đào. Hoa anh đào nổi tiếng thế giới bởi vẻ đẹp rực rỡ, tuyệt mỹ. Thời điểm tháng ba, tháng tư hàng năm là thời gian mãn khai (nở rộ) của hoa anh đào Nhật Bản. Hoa anh đào nở cũng là lúc người Nhật nô nức trảy hội ngắm hoa. Thế nhưng, phải thực sự trải nghiệm qua mùa đông ở Nhật Bản, mẹ mới có thể thấu hiểu vì sao người Nhật lại mong chờ mùa hoa anh đào đến như thế. Ngoài vẻ đẹp lãng mạn làm say đắm lòng người, hoa anh đào còn khiến người ta phải mong mỏi, chờ đợi bởi nó là dấu hiệu thông báo một mùa xuân ấm áp đã đến. Điều đó cũng có nghĩa là, mùa đông vô cùng giá lạnh sẽ ra đi.
   Quả đúng như vậy. Kể từ khi hoa anh đào mãn khai vào hôm chủ nhật vừa rồi (mùng 8 tháng 4), trời trở nên trong xanh, mây trắng, nắng vàng. Mẹ nhìn thấy những nụ cười tươi rói nở trên môi của thầy cô, bạn bè tại phòng nghiên cứu, hay của những người không quen mẹ gặp trên đường phố, trong siêu thị... Mẹ hiểu, ai ai cũng cảm nhận thấy sự ấm áp của mùa xuân đang đến bên mình.
    Và mùa hoa anh đào năm nay, mẹ lại dẫn cu Tý đến công viên Ueno, một công viên nổi tiếng ở Tokyo, để con được chứng kiến niềm vui của người Nhật khi hoa anh đào nở rộ.  Công viên hôm ấy vô cùng nhộn nhịp bởi rất đông người đến thưởng ngoạn hoa anh đào.    
Cu Tý và em khỉ Kuwakachikun (tên em khỉ do cu Tý đặt) trong không khí Hanami (thưởng ngoạn hoa anh đào) ở công viên Ueno
   Cu Tý rất yêu quý động vật. Vì vậy, vườn thú Ueno cũng là một địa chỉ quen thuộc của cu Tý. Con cũng tranh thủ cưỡi lên một chú voi ngộ nghĩnh để chụp ảnh.
   Và cười tít mắt với trò chơi ghế xoay.  
   Nhìn con thích thú với những trò chơi này, mẹ lại nhớ tới trò chơi thú quay ở vườn thú Thủ Lệ mà bố mẹ thường dẫn con đi vào chủ nhật, hồi con năm tuổi. Bố Th và cu Tý xem lại hình ảnh hồi cu Tý năm tuổi nhé.
Cu Tý đi chơi công viên với bố mẹ hồi 5 tuổi
   Ngày mùng 8 tháng 4, cu Tý đã có buổi đi chơi rất thú vị ở công viên Ueno. Để rồi hôm sau, vào thứ hai đầu tuần, ngày 9 tháng 4, con tham dự ngày lễ khai giảng ở trường tiểu học Suzuya mà con và bố mẹ đã mong đợi từ lâu.
   Lễ khai giảng được bắt đầu từ lúc một giờ chiều. Hôm ấy, trời vô cùng ấm áp. Nắng vàng trải xuống đồng cỏ trước nhà, nhảy nhót trên những cành hoa anh đào hai bên bờ sông. Tất cả như để chúc mừng cu Tý và các bạn vậy!
   Trước khi cắp sách đên trường tham dự lễ khai giảng, cu Tý chạy ra đồng cỏ trước nhà chơi như để tận hưởng hết niềm phấn khởi đang dậy lên trong lòng mình.
Cu Tý chơi ở đồng cỏ trước nhà trước khi đi tham dự LỄ KHAI GIẢNG
   Và em bé con cô hàng xóm cũng đến nói lời chúc mừng với anh Hienkun.
   Đây là những hình ảnh cu Tý và các bạn tập trung ở lớp trước khi chính thức tham dự Lễ khai giảng. Mẹ cũng như nhiều bố, mẹ của các bạn khác hồi hộp, vui mừng đứng trước cửa lớp và tranh thủ chụp ảnh ghi lại kỷ niệm này cho con.
   Còn đây là Video ghi lại tiếng nhạc rộn ràng của các anh chị lớp sáu và niềm hân hoan của các em học sinh lớp một, trong đó có cu Tý.
Và vui sướng đeo cặp Randoseru trên vai. Cặp Randoseru là cặp được thiết kế dành riêng cho học sinh tiểu học ở Nhật Bản. Chiếc cặp này bố mẹ Gakkun đã kỳ công dẫn mẹ và cu Tý đi chọn mua ở cửa hàng Nitori.
   Rồi giống như cô bạn gái ngồi kế bên, cu Tý cũng rất chăm chú lắng nghe cô giáo phổ biến quy chế nhà trường. 
  
   Đã trải qua mùa đông lạnh giá, khắc nghiệt, bởi vậy mẹ càng hiểu rõ hơn giá trị của những ngày xuân ấm áp. Mùa xuân năm nay mang đến cho cu Tý một sự khởi đầu mới trong cuộc đời của con. Bố, mẹ nhìn thấy trong sự hứng khởi cắp sách đến trường của con lấp lánh NIỀM HY VỌNG. Bố và mẹ sẽ đồng hành cùng con trong hành trình khám phá tri thức bao la. Hãy thật cố gắng, con nhé!

Hết phần một

11.3.12

Lễ tốt nghiệp của cu Tý ở trường Suzuya Higashi Hoikuen và những khoảnh khắc khó quên (Phần 1)

Lời giới thiệu: 
   Lễ tốt nghiệp của cu Tý và những khoảnh khắc khó quên được mẹ ghi chép lại tỉ mỉ cho cu Tý. Những kỷ niệm, những điều mẹ thấy cần ghi lại là rất nhiều. Bởi vậy, nội dung này được mẹ chia làm nhiều phần.
   Từ "tốt nghiệp" gợi cho mẹ nhớ đến những khoảnh khắc khó quên, những giai đoạn trọng đại trong quãng đời cắp sách tới trường. Sang Nhật với mẹ được tròn một năm hai tháng, con đã có điều kiện được chia sẻ khoảnh khắc trọng đại này với các cô giáo và những người bạn Nhật. Nhật Bản, giờ với con đã là một cái tên thân thương, là một phần quan trọng trong cuộc sống của con, cho dù thời gian con và mẹ ở trên miền đất này  không phải là mãi mãi, sẽ chỉ là gần hai năm nữa mà thôi. Như lời của các cô bạn thân của mẹ, của thầy Hideki (thầy giáo người Nhật đầu tiên của cu Tý ở Trường Mamu, ngôi trường đầu tiên cu Tý theo học trong những ngày đầu đặt chân đến Nhật) đã nói với mẹ, mẹ đã và đang cố gắng lưu giữ cho con thật nhiều kỷ niệm tại Nhật trong những ngày tháng tuổi thơ này. 
   Để có lễ tốt nghiệp này, các cô giáo đã dạy và luyện tập cho con và các bạn cách thức nói lời cảm ơn, học những bài hát về thày cô, bạn bè, làm những tác phẩm thủ công để chào đón lớp một. Rồi những lời chúc mừng, lời tạm biệt của cô hiệu trưởng, của hai cô giáo chủ nhiệm, của các cô giáo trong trường, của cha mẹ, cảm xúc của các con đã được các cô ghi chép, tập hợp lại cẩn thận trong cuốn sổ lưu bút phát cho con và từng bạn trong lớp.
   Lễ tốt nghiệp của con làm mẹ vô cùng xúc động khi nhớ lại quãng thời gian đã qua, chặng đường mà con và mẹ đã đi đấy con ạ. Tất cả những kỷ niệm, những khoảnh khắc này, giờ mẹ sẽ ghi chép lại cho con. Và sau đây là phần một nhé. 
   Ngày 10 tháng 3 năm 2012
   Người Nhật và cả thế giới đang cùng ôn lại những ký ức về trận đại địa chấn miền Đông Bắc Nhật Bản xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm ngoái. Thế là vừa tròn một năm sau trận động đất sóng thần ấy. Những tháng ngày ấy, mẹ đã có những đêm thức trắng nghe tin tức trên đài, để rồi 9 giờ sáng hôm sau (tức 7 giờ sáng giờ Việt Nam), lại gọi điện thoại cho bố để thông báo tình hình bên này. Bố sẽ xem xét tình hình để có cho con ở lại, hay trở về Việt Nam. Mẹ thì vẫn tin rằng, xã hội Nhật Bản, tinh thần Nhật Bản với những quy tắc khắt khe sẽ rèn luyện được cho một đứa trẻ quá đỗi hiếu động ngay từ lúc sinh ra như con. Sau khi theo dõi diễn biến tình hình trong nhiều ngày, bố đã đồng ý để con ở lại. Giờ đây sau một năm nhìn lại, quyết định ấy của bố mẹ có thể tạm thời nói là đúng chăng. Mẹ nhìn thấy sự trưởng thành nơi con, dù rằng, để có được điều đó, mẹ và con đã trải qua vô vàn khó khăn, nhọc nhằn, bởi  vừa tham dự Khóa học TS, vừa một mình nuôi dạy con khi xa xứ tại một nơi điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt như Nhật Bản là một điều không hề dễ dàng gì.
    Để rồi, sau một năm, vào sáng nay, con đã được tham dự lễ tốt nghiệp do nhà trường tổ chức. Vậy là, chỉ còn ba tuần nữa thôi, con và các bạn sẽ thực sự chia tay các cô giáo ở trường, chia tay ngôi trường thân yêu đầy ắp kỷ niệm. Tháng tư này, con và các bạn sẽ bước vào tiểu học năm đầu tiên.
   Hẳn con và các bạn sẽ nhớ lắm những ngày tháng cùng nhau chơi đuổi bắt, trốn tìm, chơi đá bóng ở sân trường. Rồi nhớ lắm trò chơi xếp hình lego, xếp hình kapla ở góc lớp mà con và các cậu bạn trai hàng ngày vẫn say sưa cùng nhau tạo ra nào ô tô, robot, khủng long phải không con?
   Việc chuyển cho con vào học trường công lập Higashi Suzuya là do chính con quyết định. Mẹ vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tháng 9 năm ngoái, con nói chuyện với mẹ, dứt khoát đòi mẹ đến ủy ban nhân dân quận cho con vào học trường công (tức trường công lập theo cách gọi của con). Lý do của việc này là con khao khát, mong muốn có thật nhiều bạn bằng tuổi với mình (Trường Mamu không có bạn nào bằng tuổi con cả). Và mẹ không còn cách nào khác là cầm hồ sơ lên quận xin học cho con. Mẹ đã rất lo lắng, không hiểu con có được vào trường công theo đúng nguyện vọng hay không. Bởi con xin học giữa chừng, và xin học ở cấp mầm non ở Nhật hoàn toàn không phải là điều dễ dàng, các trường lúc nào cũng trong tình trạng có trẻ xếp hàng chờ đợi. Ngày 12 tháng 9 mẹ nộp hồ sơ. Ngày 17 tháng 9 quận yêu cầu con và mẹ gặp cô hiệu trưởng nhà trường để phỏng vấn con. Sau đó là mười ngày chờ đợi kết quả trong hồi hộp của cả hai mẹ con. Và con còn nhớ không, cái ngày 26 tháng 9 ấy, mẹ con mình nhận được giấy báo của ủy ban quận. Hai mẹ con hồi hộp mở phong bì thư. Con đã ôm chầm lấy mẹ vì vui sướng. Thế mới biết, niềm vui của con trẻ là quý giá thế nào. Và thế là, ngày 28 tháng 9, con chia tay với các bạn và thầy cô ở Trường Mamu, ngôi trường nhỏ bé mà con đã trải qua bao thăng trầm, buồn vui từ những ngày đầu được bố đưa sang Nhật với mẹ. 
   Ngày 2 tháng 10 hôm ấy, thứ hai đầu tiên của tháng mười, con vui sướng, rộn ràng đi đến ngôi trường mới. 9 giờ sáng, xe đạp của hai mẹ con đi đến cổng trường. Rất đông các bạn nhỏ đang chơi ngoài sân trường. Thấy hai mẹ con mình, các bạn đến sát cổng trường, và nói: "Hienkun phải không?". Hẳn con vẫn còn nhớ, đó là Ryukun, Gakkun, Yukun... , những người bạn mà chỉ vài tuần sau đó và cho đến bây giờ đã trở thành những người bạn thân thiết của con, trong những giờ phút học ở trường, trong những lần các bố, các mẹ dẫn các con ra công viên Chuo chơi vào cuối tuần, rồi trong những trận bóng đá ở câu lạc bộ bóng đá thiếu niên Yonoshimoochiai mà con và một số bạn cùng tham gia. Cô giáo đã thông báo cho cả lớp về thành viên mới từ tuần trước. Vì vậy, các bạn đã nhận ngay ra con khi con xuất hiện ở cổng trường. Các bạn nói: "Từ nay chúng tớ nhờ cậu giúp đỡ nhé". Con cũng bẽn lẽn nói mà chắc hẳn trong lòng đầy vui sướng: "Tớ cũng nhờ các cậu giúp đỡ nhé".


Cu Tý và những người bạn Nhật thân thiết của mình
   Ấy thế mà thấm thoắt đã 6 tháng trôi qua rồi đấy. Thời gian trôi thật quá nhanh phải không con? Những người bạn ấy đã cùng chơi với con rất vui vẻ. Con và các bạn đã có những lúc giận dỗi, lúc cãi cọ, rồi lại làm lành phải không? Con đã học được thật nhiều điều khi chơi với các bạn. Vygotsky (1896 - 1934) cũng đã khẳng định rằng: Trẻ nhỏ học chủ yếu thông qua các hoạt động vui chơi, thông qua sự giao tiếp và tương tác với bạn bè. Quan sát sự lớn khôn, trưởng thành của con, mẹ thấy lý thuyết này của Vygotsky thật đúng.
 Đây là bản chương trình lễ tốt nghiệp các cô giáo ở trường đã tự tay trang trí rất đẹp và phát cho từng phụ huynh. 
 Chương trình lễ tốt nghiệp được phát cho từng phụ huynh

Chương trình chi tiết cùng lời bài hát chính ("Lời cảm ơn chân thành của tôi với bạn bè") mà cả lớp sẽ biểu diễn
    Đúng 9 giờ 45 phút, lần lượt 19 thành viên của lớp Hanagumi tự tin bước vào khán phòng trong tiếng vỗ tay và tiếng nhạc chào mừng đầy xúc động.
  
   Sau đó, lần lượt từng bạn trong lớp được gọi lên nhận bằng chứng nhận tốt nghiệp từ cô hiệu trưởng. Mỗi bạn khi lên nhận bằng chứng nhận đều được cô giáo chủ nhiệm nhắc lại đặc điểm tính cách, sở thích của bản thân trong thời gian bạn ấy học tại trường. Từng bạn khi nhận tấm bằng, đều nói lời cảm ơn rất to và dõng dạc với cô giáo. Rồi tất cả đều nói lên mơ ước nghề nghiệp của bản thân khi lớn lên, trước khi tiến về phía mẹ đang đứng đợi ở phía cửa lớp, để đưa lại tấm bằng tốt nghiệp của mình cho mẹ. Mẹ nhớ, Ryukun muốn trở thành người làm bánh (thật bất ngờ phải không con), Kanpeikun muốn trở thành người lái tàu điện, Gakkun muốn lớn lên sẽ làm nghề lái xe, Tetsumarukun thì chắc chắn rồi, bạn ấy nói là bạn ấy muốn trở thành cầu thủ bóng đá. (Trong những lần xem con và các bạn tham gia thi đấu trong đội bóng, nhìn sự say mê và chuyên nghiệp với từng đường bóng của Tetsumarukun, mẹ còn nghĩ rằng sau này, rất có thể bạn ấy sẽ là một cầu thủ nổi tiếng của Nhật Bản nữa cơ đấy. Và biết đâu, sau này, khi ở Việt Nam, con sẽ gặp lại cầu thủ Tetsumarukun trên tivi trong đội hình thi đấu Worldcup của Nhật Bản ấy chứ nhỉ. Có thể lắm chứ, vì bạn ấy say mê tập luyện và yêu thích đá bóng đến thế cơ mà).               
   Và sau đây là Video Clip ghi lại hình ảnh cu Tý bước lên thảm đỏ để nhận bằng tốt nghiệp từ cô hiệu trưởng. Cu Tý đã nói về mơ ước sau này của mình như thế nào nhỉ?!

   Mẹ dịch lại nội dung đoạn Video này nhé.
Cô chủ nhiệm: Cô mời bạn ĐGH.

Cu Tý: Vâng ạ.
Cô chủ nhiệm: Thời gian ở trường, con thường xuyên chơi trốn tìm, đuổi bắt và chơi bóng đá với các bạn rất vui vẻ phải không. Con cũng rất thích gấp Origami, và vẽ tranh rất nắn nót, cẩn thận.

Cô hiệu trưởng: Chúng tôi chứng nhận em ĐGH đã học mẫu giáo tại trường trong 6 tháng.
Cu Tý: Em cảm ơn cô ạ. Khi lớn lên, em muốn mình sẽ trở thành cầu thủ bóng đá!

Một bạn nào đó nói: Mẹ ĐGH kun đang khóc kìa!
(Cô giáo, các bố, các mẹ và cả lớp cười ồ).
   Hôm nay con đã tốt nghiệp. Ba tuần nữa thôi con sẽ trở thành học sinh lớp một. Bố và mẹ chúc mừng con, con nhé!Sáu năm qua, từ một cậu bé con bé tí bé tẹo vì sinh thiếu tháng, con đã lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, của ông bà nội và ông bà ngoại, của các mẹ ở nhà trẻ Việt Nhật, các cô giáo ở nhà trẻ Huy Hoàng, và bây giờ là các thày, cô giáo ở Nhật Bản. Giờ đây, con đã có thêm nhiều người bạn mới, đã biết nói thêm một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, và đã biết đam mê với sở thích chơi bóng đá của mình.
   Bố và mẹ sẽ luôn ủng hộ con, sẽ luôn bên con những lúc vui, hay khi buồn. Con hãy đừng bao giờ quên hình ảnh các thày, cô giáo đã dạy dỗ mình, những người bạn đã học cùng mình trong ngôi trường này với bao tình cảm ấm áp. Và khi bước vào lớp một, con hãy luôn nâng niu, trân trọng những kỷ niệm trong cuộc sống, dù có khi vui hay cũng có khi buồn, để rồi từ đó, con lại tiếp tục khôn lớn, trưởng thành, con nhé!
                Hết phần một

(Ghi chú: Phần hai sẽ là Video Clip (kèm theo phần dịch lời bài hát) do cả lớp Hanagumi của cu Tý trình bày với hai bài hát đặc biệt xúc động. Bài một là bài 「ありがとう こころをこめて」(Tạm dịch: Lời cảm ơn chân thành của tôi với bạn bè).Bài hát này thường được trẻ em Nhật Bản hát trong lễ tốt nghiệp mẫu giáo. Bài thứ hai là bài 「ドキドキドン!一年生」(Tạm dịch: Hồi hộp quá, mình sẽ là học sinh lớp một!). Bài hát này cũng  đã được biết bao thế hệ học sinh Nhật Bản hát khi chuẩn bị bước vào lớp một.
   Mẹ gửi thêm hai tấm hình con vừa chụp với các bạn chiều nay (Chủ nhật, 11 tháng 3 năm 2012) sau buổi tập luyện bóng đá ở câu lạc bộ để bố Th xem. Tất nhiên trong ảnh không thể thiếu gương mặt của Tetsumarukun, Ryukun, Kanbeikun, những người bạn thân cùng chung niềm đam mê bóng đá với con.


Cu Tý và các bạn cùng thầy giáo phụ trách trong câu lạc bộ bóng đá thiếu niên Yonoshimoochiai
 

10.2.12

Ngày cu Tý chụp ảnh kỷ niệm để chuẩn bị tốt nghiệp mẫu giáo


   Sáng ngày 10 tháng 2 năm 2012.  Nhiệt độ 7℃ ở Saitama. Trời trong xanh, nắng vàng trải dài ngoài đồng cỏ đằng sau nhà. Tối qua, cu Tý đi ngủ sớm, sau khi nghe mẹ đọc hết chương 1 cuốn tiểu thuyết "Cuộc phiêu lưu của Eruma". Chả phải tự nhiên cu cậu lại tự nguyện đi ngủ sớm như thế. Chả là thế này, sáng hôm nay, nhà trường tổ chức cho lớp Hanagumi của cậu chụp ảnh kỷ niệm nhân dịp cả lớp sẽ tốt nghiệp, chia tay các cô giáo và các em bé lớp dưới để đi học lớp một. Vì vậy, cu cậu háo hức lắm. Cậu nhớ lời cô giáo dặn, cả lớp phải đến trường thật sớm để còn thực hiện các công đoạn chuẩn bị cho việc chụp ảnh.
   Buổi sáng mẹ dậy lúc 6 giờ tranh thủ học bài. Đến 7 rưỡi, cu cậu bật dậy trong chăn ấm. "Dậy thôi. Con mặc comple để đi chụp ảnh đây". Bộ comle này (ảnh mẹ LA sẽ up lên sau) mẹ đã mua cho cu Tý từ khoảng hai tuần trước. Bắt đầu từ khoảng tháng một, các siêu thị ở Saitama bắt đầu bán cople phục vụ cho các bé mẫu giáo mặc trong lễ tốt nghiệp mẫu giáo và lễ khai giảng lớp một. Bé trai sẽ mặc comple, đeo caravat, cài khăn mùi xoa ở túi áo ngực bên trái, y hệt người lớn ý. Tuy nhiên, có điểm khác biệt là quần là quần lửng, tức là chỉ ngắn đến đầu gối, chứ không phải quần dài. Giày cũng phải là giày da màu đen  (ảnh mẹ LA sẽ up lên sau). Tất sẽ là tất dài đến khoảng đầu gối hoặc ngắn hơn một chút, màu đen, màu trắng hay màu lam... Hôm nay, cu Tý chọn đi đôi tất dài màu trắng. Vì theo cậu, comple màu tối mà đi với tất dài màu trắng sẽ rất nổi bật. (Cậu ẫy cũng kỹ càng và suy xét ra phết đấy). Mẹ Lan Anh nói thêm một chút về trang phục bé gái nhé. Các bé gái sẽ mặc áo vét cùng váy bồng, hoặc váy ngắn ba tầng. Mẹ Lan Anh thấy váy bé gái thường hay có màu đỏ pha màu đen. Giống như bé trai đeo caravat, bé gái sẽ đeo nơ ở cổ. Nơ này được làm cùng vải với chiếc váy. 
   Nói về cảm xúc của cu Tý, cu cậu rất hớn hở và vui mừng khi ngày tốt nghiệp sắp đến. Cậu nói cậu cũng buồn lắm khi phải xa các bạn và các cô ở trường mẫu giáo. Chỉ có một bạn sẽ vào học cùng trường tiểu học Suzuya với cậu. Các bạn khác sẽ đi học trường tiểu học Otto, cũng ở gần trường của cậu, hoặc một vài trường tiểu học khác. Nhưng cậu cũng nói với mẹ, cậu cũng vui lắm khi cậu sắp được vào lớp một. Được cắp sách đến trường là mơ ước mà cậu đã ấp ủ bao nhiêu lâu nay. Từ hồi tháng 9 vừa rồi (năm 2011), cậu biết ở nhà, em Bi (con chú C), bạn Méo (bạn thân hồi cậu học mẫu giáo ở nhà) đã đi học lớp một rồi. Cậu cứ hỏi tại sao ở Nhật lạ đi học lớp một chậm hơn 6 tháng hả mẹ? Mà không chỉ cậu, mẹ cậu, mà nhất là bố cậu đang ở nhà, sốt ruột lắm. Nhìn thấy em Bi, rồi bạn Bi (cô bạn gái hàng xóm ngay cạnh nhà của cậu) đã ngày ngày đến trường, bố cậu cũng muốn cho cậu được đi học lớp một thật nhanh. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nói rằng "được đi học là hạnh phúc" mà. Còn hôm qua, khi mẹ dẫn cậu đi xem triển lãm với chủ đề "Văn hóa hòa bình và trẻ em", mẹ đọc được câu này: "Hãy ý thức rằng bồi đắp kiến thức cho con trước tiên chưa phải để con cống hiến cho xa hội, mà trước tiên là vì hạnh phúc của con trẻ". Và cô Cỏ mềm trên facebook đã chia sẻ với mọi người suy nghĩ của Phạm Lữ Ân như thế này: "Ta phải bồi đắp chính bản thân ta thành một con người tốt đẹp và cảm nhận được niềm hạnh phúc, trước khi nghĩ đến việc mang đến hạnh phúc cho bất cứ ai hay đóng góp điều tốt đẹp gì cho xã hội. Bởi vì, bạn biết đó, chúng ta không thể mang đến cho người khác thứ mà ta không có".
   Trong lúc mẹ chuẩn bị cơm hộp, khăn ăn, bàn chải... để cho vào ba lô cho cậu mang đến trường, thì cậu lúi húi lôi comple ra mặc luôn. Mà phải kể thêm là sáng nay cậu nhất quyết không chịu ăn sáng. Chắc tại cậu hồi hộp và hân hoan quá đấy. Mẹ nói thế nào cậu cũng không ăn. Cậu nói cậu phải mặc comple để đến trường ngay. Kể đến đây, chắc bố Th biết được lại lo đây. Cơ mà chắc cũng tại tối qua, sau khi vào thư viện Yono (cạnh Ủy ban nhân dân quận đấy bố Th à) để cậu mượn cuốn "Cuộc phiêu lưu của Eruma", hai mẹ con lại còn đi xem triển lãm đến 7 rưỡi tối. Cậu đói quá, nên hai mẹ con rẽ vào quán Sukiya ăn cơm luôn. Cậu ăn liền một xuất Cơm thịt kho tàu với củ cải (Tontorodon) dành cho người lớn, một bát nui trộn maone, và húp hết một bát canh Misosiru. Ăn xong, bụng cậu no căng. Cậu đã nói trước với mẹ là, con ăn no thế này, sáng mai con không ăn sáng nữa đâu. Mẹ bảo: "Bây giờ con ăn no thì con cảm thấy thế. Buổi đêm, cơm trong bụng con sẽ tiêu đi, đến sang là con đói ngay thôi". Thế mà sáng nay, y như lời cậu đã nói, cậu không ăn sáng thật. Thấy cậu lúi húi với bộ comple, mẹ lại chợt nghĩ, phải ghi lại hình ảnh này của cậu ngay thôi. Nó sẽ tiếp tục là những kỷ niệm khó quên trong thời thơ ấu của cậu . Còn bố Th của cậu thì luôn rất vui khi được xem những hình ảnh Video của cậu do mẹ gửi về. Video lần này dài khoảng 2 phút.
Chắc bố Th và mọi người đã xem xong Video rồi. Bây giờ mẹ kể tiếp nhé. 9 giờ kém 10, hai mẹ con bắt đầu lên xe đạp. 9 giờ kém 5, hai mẹ con đến được trường. Cả lớp đã đến gần như đông đủ. Bạn nào cũng xúng xính comple hoặc váy rất đẹp. (Lớp cu Tý dương thịnh âm suy, có 20 bạn, thì phần lớn là bạn trai, chỉ có 4 bạn gái mà thôi). Các bạn thấy cu Tý đến, chạy ra cười rất tươi. "A, Hienkun đã đến!". Bạn nào cũng rạng rỡ, hớn hở. Mấy bạn bảo: "Hienkun đi tất trắng à? Khác tớ, tớ đi tất màu đen". Cô E và cô T đang tất bật đính hoa vào túi áo ngực trái cho các bạn. Mỗi bạn được cô đính hoa bằng vải, gồm ba bông hoa hồng chúm chím màu đỏ rất đẹp. Cu Tý chạy lại bên cô giáo, khoe chiếc chăn mùi xoa bên túi ngực trái của mình với cô. Cô bảo: "Hôm nay cả lớp sẽ đính hoa để chụp ảnh cho đẹp Hienkun nhé". Cu cậu gật đầu, và đợi đến lượt mình.
   Toàn bộ cả lớp đã được cô giáo đính hoa cho. Cô hiệu trưởng cũng đến lớp và chỉnh sửa lại trang phục, hoa đính áo cho từng bé. Cả cô giáo vụ nữa. Cô đến bên cu Tý, cài lại khuy áo ở cổ cho cu cậu, và dịu dàng bảo: "Hienkun hôm nay diện thật đấy". Cu cậu nghe thế lại càng phấn khởi. Cô nói: "Giờ các em đi giày vào nhé". Giày đã được bố mẹ của các bé cho vào túi giấy, mang đến lớp gửi cho cô giáo từ đầu tuần. Cả lớp sẽ chụp ảnh trong phòng học lớn, vì vậy giày phải được giữ sạch, không được bám bụi. Nghe yêu cầu của cô giáo, cả lớp đồng loạt chạy lại bàn cô giáo lấy túi của mình và đi vào. Những bạn đi giày xong bắt đầu giậm chân bình bịnh, bạch bạch. Chắc là vì đôi giày này khác những đôi giày thể thao mà các bạn vẫn đi. Có bạn nói: "Trơn quá!", rồi "Khác lạ quá". Mẹ Lan Anh đứng nhìn cu Tý, rồi nhìn cả lớp hớn hở mà cũng hớn hở theo. Co E và cô T cũng đã thay xong bộ váy rất đẹp. (Bình thường các cô chỉ mặc đồng phục trông trẻ mà thôi). Cả lớp nhìn cô hôm nay mặc váy đẹp quá, nhao nhao nói: "Cô giáo hôm nay xinh quá, xinh quá!". Hienkun cũng tít mắt với một cậu bạn ở bên cạnh: "Cô dễ thương quá cậu nhỉ!". Cô giáo vụ vẫn mặc bộ đồng phục bình thường, với ý trêu cả lớp, liền chỉ vào mình và bảo: "Cả lớp nói cô xinh phải không nào?". Tất cả lại nhao nhao: "Không phải, cô E mới xinh cơ!". Cu Tý cũng nói rất to khẳng định điều này. Cô E nghiêng đầu bảo: "Cô cảm ơn cả lớp!". Hienkun và các bạn lại cười toe toét. Giờ chụp ảnh sắp đến. Mẹ đã được chứng kiến những khoảnh khắc hồn nhiên và đáng nhớ của con và các bạn ở trường mẫu giáo Suzuya Higashi. Giờ mẹ phải về nhà học bài rồi. Và mẹ cũng không làm phiền cô giáo và cả lớp nữa.
   Thời hạn nộp luận văn của mẹ sắp đến gần. Trên đường về, mẹ nghĩ. Dù bận lắm, nhưng phải ghi dấu lại hết những khoảnh khắc này, những kỷ niệm này của con. Con sắp bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời. Mẹ và bố đang chuẩn bị một món quà đặc biệt dành tặng cho con để chúc mừng con đi học lớp một đấy. Con hãy chờ xem nhé, con yêu của bố mẹ!